Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

Biến cố kinh đô Huế năm 1885


Trong lịch sử Huế, biến cố năm 1885 đã để lại một ấn tượng rất sâu sắc không những đối với triều đình nhà Nguyễn mà cả người dân xứ Huế. Sau biến cố đó, triều đình Huế chia làm hai kinh đô: Kinh đô của Nam triều tại Huế và kinh đô kháng chiến Tân Sở ở Quảng Trị với hai niên hiệu Hàm Nghi và Đồng Khánh cùng tồn tại cho đến năm 1888. Thời điểm đó cũng đánh dấu một triều đình đang làm chủ vận mệnh đất nước bị ngoại xâm, kiên cường đấu tranh để giành lại chủ quyền và một triều đình chuyển hoá làm bù nhìn, tay sai cho thực dân Pháp. Biến cố kinh đô Huế năm 1885 là niềm tự hào nhưng cũng là nổi đau muôn thuở của người dân xứ Huế.
Cuộc đụng đầu giữa thực dân Pháp và triều đình Huế vào năm 1858 tại Đà Nẵng đã báo động về an ninh trên toàn lãnh thổ nước ta, đã đẩy triều đình Tự Đức vào thế bị động và yếu kém trên chiến trường và trong các cuộc đàm phán với Pháp. Từ đó, ở trong triều đình đã hình thành phái chủ chiến bao gồm những người không tán thành đường lối chống Pháp của vua Tự Đức đứng đầu là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết. Phái chủ chiến chủ động xây dựng thành Tân Sở ở Quảng Trị như là một kinh thành dự bị, một kinh đô mới để triều đình lãnh đạo cuộc kháng chiến mỗi khi Huế bị lâm nguy. Mặt khác, phái chủ chiến tìm cách loại bỏ những đại thần, hoàng thân, nhà vua thân Pháp như Dục Đức, Hiệp Hoà và tôn lên ngôi những nhà vua có tư tưởng yêu nước như Kiến Phúc (lên ngôi 2-12-1883), Hàm Nghi (lên ngôi 2-8-1884) trở thành ngọn cờ đấu tranh chống Pháp trong giai đoạn mới. Đó là mấu chốt của vấn đề để dẫn đến biến cố Kinh đô khi mà các cơ hội đàm phán không còn có giá trị trên thực tế trước âm mưu xâm lược bằng mọi giá và thái độ hống hách của các quan chức Pháp, đứng đầu là tướng Roussel de Courcy được chính phủ Pháp cử sang bình định nước ta (1-6-1885).
Ngày 2-7-1885, De Courcy vừa đến Huế đã mở ngay cuộc thương thảo với triều đình về nghi lễ chuyển giao hiệp ước Patenôtre đã được Chính phủ Pháp phê duyệt, nhân cơ hội này để bắt Tôn Thất Thuyết. Âm mưu của De Courcy không thành vì Tôn Thất Thuyết đã biết trước nên ông tìm mọi lý do để cự tuyệt. De Courcy đòi triều đình Huế trong vòng ba ngày phải nộp đủ tiền bồi thường chiến phí là 200.000 thoi vàng, 200.000 thoi bạc và 200.000 quan tiền; lại yêu cầu cho sĩ quan tuỳ tùng và binh lính Pháp được mang vũ khí vào cửa Ngọ Môn. Trước thái độ hách dịch và những yêu sách vô lý của quan chức Pháp nên cuộc đàm phán bị bế tắc. Để thể hiện sự nhân nhượng và tạo thế bất ngờ cho cuộc tập kích vào quân đội Pháp, chiều ngày 4 -7- 1885, Tôn Thất Thuyết đưa thư sang toà Sứ xin từ chức Thượng thư Bộ Binh nhưng bị De Courcy khước từ.
Mâu thuẫn đã đến cực điểm, chiến tranh tất phải bùng nổ.
Tổng số quân đội của triều đình lúc đó có khoảng 20.000 người và 1.400 tù nhân ở nhà lao Trấn phủ được mở cửa cùng ra đánh giặc lập công. Tôn Thất Lệ[1] đang giữ chức Tham biện Sơn phòng Tân Sở tại Quảng Trị được triệu về kinh để chỉ huy cánh quân đánh úp toà Sứ Pháp ở Nam sông Hương[2]. Trần Xuân Soạn là một danh tướng chỉ huy đánh Pháp ở Bắc Kỳ được Tôn Thất Thuyết điều về Huế giữ chức Đề đốc Kinh thành chỉ huy đội quân tập kích vào đồn Mang Cá; một đội quân khác được bố trí phục kích ở cầu Thanh Long để tiêu diệt quân Pháp sau khi dự tiệc ở toà Sứ trở về Mang Cá. Tôn Thất Thuyết- tổng chỉ huy cuộc tấn công đóng bản doanh ở sau Đại Nội[3] sẽ cùng Trần Xuân Soạn đánh úp đồn Mang Cá[4], ứng phó với mọi tình huống và chuẩn bị lộ trình phò vua Hàm Nghi ra Tân Sở nếu cuộc tập kích bất thành.
Tổng số quân Pháp là 1.387 lính với 31 sĩ quan, có 17 đại bác chia làm hai khu vực đóng quân ở Mang Cá và toà Sứ cùng các trại thuỷ quân lục chiến ở Nam sông Hương[5]. Đêm 4 tháng 7, ở sân toà Sứ, De Courcy vẫn thản nhiên cho tổ chức dạ tiệc với sự có mặt đầy đủ các sĩ quan và quan chức đóng ở Huế, đến 23 giờ tiệc tan, mọi người ra về, thời gian vẫn yên tỉnh trôi qua.
Khoảng 1 giờ sáng ngày 5 tháng 7 năm 1885 (23 tháng 5 năm Ất Dậu), Tôn Thất Thuyết cho phát lệnh tấn công. Quân Pháp ở Mang Cá, toà Sứ và trại thuỷ quân ở Nam sông Hương bất ngờ bị tấn công dồn dập, các doanh trại và quân Pháp bị thiệt hại nặng. Khoảng 4 giờ sáng, quân Pháp bắt đầu phản công, chúng lần lượt phá huỷ các công sự chiến đấu và dập tắt hoả lực của quân đội triều đình ở trong và ngoài kinh thành, cuộc chiến trở nên khốc liệt. Đến 9 giờ Kinh đô thất thủ, quân Pháp tràn vào Đại Nội bắn giết, cướp của, hãm hiếp, đốt phá vô cùng man rợ trong suốt 2 ngày đêm. Binh lính chạy tán loạn, dân chúng dắt dìu nhau trốn thoát, người chết, lửa cháy, tiếng khóc la vang dậy khắp nơi.
Bi cảnh thất thủ Kinh đô được Ngô Tất Tố ghi lại vào năm 1935 như sau:
Hoàng thành hầu như một chỗ bỏ không, cảnh tượng cực kỳ thê thảm.
Mấy dẫy lâu đài đồ sộ, bị lửa thuốc súng thiêu đốt, sụt đổ lổng chổng, lửa vẫn cháy, khói vẫn theo gió toả ra mịt mù.
Dưới những túp nhà tranh tan nát vì đạn trái phá, tiếng người vẫn rên khừ khừ. Những kẻ cụt chân, cụt tay, gảy xương, lòi ruột, muốn chạy mà không chạy được đành phải nằm trong vũng máu¦
Cạnh các bãi tro than tanh bành, luôn luôn thấy những thây người bị thiêu, da thịt xém đen, có người chưa thật chết còn nằm quằn quại bên đống lửa.
Trong các nhà, trên các con đường, dưới những hồ sen, ao cá, đâu đâu cũng có người chết; nhất là quảng từ Tàng Thư đến Tĩnh Tâm xác người chồng chất lên nhau từng đống.
Chung quan Toà Khâm, trước sau Mang Cá, trên cầu Thanh Long và những nơi đã xẩy ra cuộc xung đột của quân ta và lính Tây xác chết cũng nằm như rạ  [6].
Thiệt hại về phía Pháp có 4 sĩ quan và 19 binh lính thiệt mạng, 64 tên khác bị thương. Trong khi đó về phía triều đình có chừng 1.500 quân bị thương vong và khoảng 7.800 người dân vô tội bị chết và bị thương. Lửa đạn chiến tranh đã tiêu huỷ tất cả, Huế trở nên hoang tàn, đổ nát, tràn ngập cảnh chết chóc, tang thương.
Tập kích quân Pháp lúc tướng De Courcy vừa đến Huế để lật lại thế cờ không thành, phe chủ chiến đứng đầu là Tôn Thất Thuyết vội vàng phò vua Hàm Nghi ra Tân Sở. Tại đây, vào ngày 13 tháng 7 năm 1885, vua Hàm Nghi ban dụ Cần Vương đã dấy lên phong trào chống Pháp của nhân dân trên cả ba miền đất nước, mà tên tuổi của nhiều nhân vật như Tôn Thất Thuyết, Phan Đình Phùng, Phạm Thận Duật, Đặng Hữu Phổ, Nguyễn Phạm Tuân, Lê Trực, Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Duy Hiệu, Mai Xuân Thưởng, Lê Thành Phương¦đã đi vào bất tử.
PGS.TS Đỗ Bang
Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử
tỉnh Thừa Thiên Huế



[1] . Em của Tôn Thất Thuyết.
[2] . Nay ở vị trí trường Đại học Sư Phạm Huế.
[3] . Theo bài văn tế Âm hồn 23 tháng 5 do Lê Nguyễn Lưu giới thiệu, chú giải, Huế Xưa&Nay số 93, năm 2009, tr. 86, đó là Hậu Bô ( Thương vì kẻ xông pha mũi bạc, ra tranh đương thác chốn Hậu Bô). Theo Phan Thuận An, Hậu Bô nay ở vị trí giữa hai con đường Nhật Lệ và Đặng Thái Thân (Phan Thuận An, Quanh sự kiện thất thủ kinh đô ngày 5-7-1885, Huế Xưa&Nay số 10, 1995, tr.67).
[4] . Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, NXB Giáo Dục,Tập 9, 2007, tr. 138.
[5] . Nguyễn Quang Trung Tiến, Về cuộc tấn công quân Pháp ở kinh đô Huế- 05.7.1885 (23.5. Ất Dậu), Tạp chí Huế Xưa & Nay, số 69/2005, tr. 36.
[6] . .N.T.Tố và L.T. Sinh, Vua Hàm Nghi với việc kinh thành thất thủ, Nhật Nam thư quán, Hà Nội, 1935, Thư viện Quốc gia, Ký hiệu M.90999 (QH) TVQG. Bản sao Kho tư liệu Địa chí Bình Trị Thiên, Ký hiệu BTT V9142- V501, tài liệu viết tay 19 trang,  tr. 18.

[7] . Trên thực tế, Đàn Âm Hồn ở gần cửa Nhà Đồ, thuộc phường Huệ An. Ngày trước, đây là doanh trại của lính Thần Cơ, nơi đóng quân của một đơn vị pháo binh của triều đình bị thiệt hại nặng trong ngày Kinh đô thất thủ; gần trại lính Thần Cơ là nơi làm việc của ty Lý Thiện, đơn vị chuyên lo lễ vật cho triều đình trong các cuộc tế lễ. Nay ở số 73 (số cũ là 24) đường Ông Ích Khiêm, phường Thuận Hoà, thành phố Huế.
[8] . A. Orband, Lễ hội Huế, BAVH, 1916, Bản dịch, NXB Thuận Hoá, 1997, tr. 199.
[9] . Năm 1987 do nhu cầu mở rộng diện tích của Hợp tác xã Mộc Mỹ nghệ và cưa xẻ của phường Thuận Hoà nên chủ nhiệm HTX là Bùi Thái Thạnh đã mua 500 m đất của Đàn Âm Hồn để làm xưởng mộc. Đàn bị tháo dỡ, đập phá thay vào đó HTX cho dựng lên một am nhỏ 2mx1m ở phía sau nhà xưởng để thờ; chính là di tích còn lại hiện nay.
[10] .Hiện nay trưởng phổ đời thứ 4 là ông Trần Phú Thuận, đảm nhận từ năm 2001.
Nguồn:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét