PGS, TS. NGUYỄN TRI THƯ*
Mặt trận Việt Minh là một nhân tố có ý
nghĩa quyết định tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, một thành công
điển hình của Đảng ta trong công tác xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất.
Thành công đó trước hết là kết quả của quá trình nhận thức và giải quyết đúng đắn
mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và giai cấp trong thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Về thực chất, vấn đề dân tộc và giai cấp
chỉ là hai mặt của sự nghiệp giải phóng của giai cấp công nhân: giải phóng khỏi
áp bức dân tộc và áp bức giai cấp. Thực tiễn lịch sử ngày nay cho thấy đây là một
vấn đề rộng lớn mà dường như chúng ta chưa nhận thức thật thấu đáo những mối
quan hệ rất phức tạp của nó. Chẳng hạn, trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản,
C. Mác và Ph. Ăngghen đã nhận xét: "Khi mà sự đối kháng giữa các giai cấp
trong nội bộ dân tộc không còn nữa thì sự thù địch giữa các dân tộc cũng đồng
thời mất theo"1. Nhưng thực tế không hẳn đơn giản là như vậy. Tiến trình lịch
sử còn phức tạp hơn nhiều, đòi hỏi chúng ta phải có cái nhìn thực tiễn và biện
chứng sâu sắc.
Suy cho cùng, sai lầm cơ bản của mọi
phong trào yêu nước ở nước ta trong những thập kỷ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX
là không nhận thức rõ được vấn đề dân tộc và giai cấp. Những nhà yêu nước thời
đó đã tách rời hoặc đối lập vấn đề này, nhận thức không đầy đủ các mâu thuẫn cơ
bản của xã hội Việt Nam. Từ đó đi đến một loạt các sai lầm cơ bản khác về chiến
lược, kể cả những sai lầm trong phương pháp đấu tranh cụ thể, như không nhận rõ
được kẻ thù và lực lượng vĩ đại của quần chúng... Từ một xã hội phong kiến chuyển
sang xã hội thuộc địa nửa phong kiến, mối quan hệ và sự đối kháng giai cấp
trong xã hội Việt Nam dưới ách thống trị của thực dân Pháp ngày càng trở nên phức
tạp và đa dạng. Nhưng nổi lên trên hết vẫn là mối quan hệ giữa địa chủ và nông
dân. Con đường cứu nước của giai cấp công nhân Việt Nam đã trở thành sức mạnh
hiện thực, trước hết vì nó đáp ứng được nguyện vọng và yêu cầu bức thiết về ruộng
đất của 90% dân số của dân tộc là nông dân.
Thực chất của vấn đề giải phóng dân tộc ở
một nước thuộc địa nửa phong kiến như nước ta là vấn đề nông dân, chính là được
hiểu theo ý nghĩa như vậy. Tất cả các phong trào yêu nước theo ý thức hệ phong
kiến và tư sản rốt cuộc đều đi vào tàn lụi là vì nó hoàn toàn bất lực và không
có khả năng để quy tụ được xung quanh mình các lực lượng dân tộc, mà trước hết
là nông dân. Giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, đánh đổ đế quốc
gắn liền với đánh đổ phong kiến, độc lập dân tộc gắn liền với người cày có ruộng;
đó là nhận thức rất căn bản, có tầm quan trọng hàng đầu về chiến lược, là một
bước phát triển nhảy vọt trong lịch sử nhận thức tư tưởng cách mạng Việt Nam.
Đó cũng là một trong những nhận thức quan trọng nhất của Đảng ta trong thời kỳ
đầu thành lập. Nhờ đó mà từ năm 1930 phong trào yêu nước của nước ta đã có sự
phát triển về chất xét trên tất cả các bình diện về tính chất, quy mô và tinh
thần tiến công cách mạng triệt để của nó. Cũng nhờ đó mà trên thực tế xu hướng
chiếm địa vị chủ đạo trong phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta từ năm 1930
là xu hướng theo con đường cách mạng vô sản do chính đảng Mác - Lênin độc quyền
lãnh đạo.
Vấn đề dân tộc và giai cấp luôn luôn gắn
bó và tác động lẫn nhau. Nhưng thực tiễn lịch sử đã chứng minh không thể đặt
ngang nhau. Quyền lợi dân tộc bao giờ cũng cao hơn quyền lợi giai cấp. Giai cấp
tiên phong, tức giai cấp công nhân, với bản chất và đặc điểm của mình, đã trở
thành đại diện cho quyền lợi và sự phát triển của dân tộc và nó cũng chỉ trở
thành lãnh tụ của dân tộc khi nó đại diện cho quyền lợi và sự phát triển đó. Vì
vậy, trong khi giải quyết mối quan hệ giữa quyền lợi dân tộc và quyền lợi giai
cấp nó phải luôn luôn lấy lợi ích của dân tộc làm trọng.
Giai cấp chỉ là một bộ phận của dân tộc,
và chưa có một giai cấp nào từ khi có dân tộc lại tồn tại ngoài dân tộc, kể cả
giai cấp có mối liên hệ quốc tế mang tính chất toàn cầu là giai cấp công nhân
hiện đại. Không kể đến một tương lai xa xôi nào đó, chí ít là cho tới nay và
trong tương lai có lẽ còn rất xa, lịch sử đã và vẫn còn là như vậy. Vì thế cần
phải hiểu và nhấn mạnh không phải chỉ có quyền lợi dân tộc gắn liền với quyền lợi
của giai cấp tiên phong, mà ngược lại chính quyền lợi của giai cấp tiên phong
cũng luôn luôn gắn liền với quyền lợi chung của dân tộc.
Khi nói "giai cấp vô sản ở mỗi nước
trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự xây dựng thành một giai cấp dân tộc,
phải tự mình trở thành dân tộc"2 thì cần phải hiểu đó là nhằm xác lập
địa vị lãnh đạo của giai cấp vô sản đối với dân tộc về mặt nhà nước, là bước khởi
đầu tất yếu nhằm tiến tới mục tiêu cuối cùng của mình là sự thống nhất quyền lợi
giai cấp và dân tộc chứ không phải phủ định hoặc hạ thấp vấn đề dân tộc.
Đối với một dân tộc như dân tộc ta, một
dân tộc đã hình thành và phát triển qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, vấn
đề dân tộc càng có tầm quan trọng đặc biệt to lớn, nó chi phối hết sức mạnh mẽ
tới toàn bộ hoạt động, đời sống, văn hoá, tinh thần của mỗi người. Tất nhiên,
tuỳ địa vị kinh tế, chính trị, xã hội của mỗi người trong cộng đồng dân tộc mà
tinh thần đó được biểu hiện ở các mức độ khác nhau, nhưng rõ ràng yêu nước, như
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến
nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một
làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn
chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước"3.
Thành công lớn nhất của Đảng ta về đường
lối chỉ đạo cách mạng trong thời kỳ 1939-1945 này - mở đầu là Hội nghị Trung
ương lần thứ sáu (11-1939) và hoàn chỉnh ở Hội nghị Trung ương lần thứ tám
(5-1941) - là nhận thức đầy đủ được vấn đề dân tộc, để giải quyết thoả đáng mối
quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, và do đó phát huy được cao độ truyền thống
quý báu nói trên của nhân dân ta.
Trong lịch sử của dân tộc ta, mỗi khi đất
nước đứng trước hoạ xâm lăng và sự thống trị của kẻ thù bên ngoài thì mâu thuẫn
nổi bật nhất luôn luôn là mâu thuẫn giữa dân tộc ta với bọn xâm lược. Mọi mâu
thuẫn khác, kể cả mâu thuẫn đối kháng nếu có, đều vận động và phụ thuộc vào mâu
thuẫn cơ bản chủ yếu này. Trong khi giai cấp phong kiến, mà đại biểu là triều
đình nhà Nguyễn đã đầu hàng, phản bội lại quyền lợi của dân tộc, làm tay sai
cho thực dân Pháp, thì vẫn có một bộ phận trong giai cấp đó, tiêu biểu là các
sĩ phu yêu nước, đã đứng về phía nhân dân để chống lại "cả triều lẫn
Tây". Những sĩ phu này không phải chỉ đơn thuần vì địa vị kinh tế - xã hội
của mình bị đe doạ, mà trước hết ý thức dân tộc là động lực chủ yếu thôi thúc họ
đứng lên phất cờ khởi nghĩa. Họ đã phản bội lại quyền lợi của giai cấp mình, đặt
quyền lợi của dân tộc cao hơn quyền lợi của giai cấp. Cũng như vậy, những nghĩa
quân nông dân tập hợp dưới ngọn cờ cứu nước của họ không hẳn chỉ vì bát cơm,
manh áo, chống lại áp bức, bất công xã hội, mà trước hết cũng là do tinh thần
yêu nước thúc giục. Bởi vì mất nước không những là mất độc lập, tự do mà còn là
toàn bộ giá trị tinh thần, văn hoá thiêng liêng nhất của dân tộc bị chà đạp,
xúc phạm. Áp bức dân tộc không phải chỉ tác động tới các tầng lớp, giai cấp xã
hội bên dưới; mà ngay cả các tầng lớp, giai cấp bên trên cũng bị phân hoá;
không phải chỉ nhìn sự phân hoá đó dưới góc độ kinh tế - xã hội, mà còn cả dưới
góc độ văn hoá - truyền thống.
Nhận thức được mâu thuẫn giữa dân tộc ta
với đế quốc Nhật - Pháp là mâu thuẫn cơ bản chủ yếu để giương cao ngọn cờ giải
phóng dân tộc, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, giải quyết mâu thuẫn
cơ bản giữa nhân dân ta, mà chủ yếu là nông dân với phong kiến trên cơ sở phục
vụ cho nhiệm vụ dân tộc là một bước tiến lớn của Đảng ta trong quá trình chỉ đạo
cách mạng Việt Nam.
Cần nói rõ thêm là trong thực tiễn cách
mạng Việt Nam chưa bao giờ nhiệm vụ dân chủ có ý nghĩa ngang với nhiệm vụ dân tộc.
Ngay cả khi chúng ta tiến hành cải cách ruộng đất trong thời kỳ 1953-1954 cũng
là nhằm phục vụ cho nhiệm vụ tối cao của dân tộc lúc đó là đưa cuộc kháng chiến
chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi hoàn toàn. Vì nhận thức được đúng đắn vấn
đề dân tộc, nhất là vấn đề dân tộc trong điều kiện áp bức vô cùng nặng nề của đế
quốc Nhật - Pháp, nên Đảng ta đã giải quyết thành công việc xây dựng Mặt trận
dân tộc thống nhất của toàn dân. Có thể nói đây cũng là sự khẳng định và phát
triển một bước mới tư tưởng đại đoàn kết của Hồ Chí Minh trong thực tiễn cách mạng
Việt Nam.
Thật vậy, ngay trong cuốn Đường
cách mệnh, Người đã vạch rõ "công nông là gốc cách mạng", học trò,
nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ "là bầu bạn" của cách mạng. Trong Chương
trình tóm tắt của Đảng do Người khởi thảo cũng nhấn mạnh: "Không bao
giờ Đảng lại hy sinh quyền lợi của giai cấp công nhân và nông dân cho một giai
cấp nào khác", nhưng đồng thời Đảng phải "lôi kéo tiểu tư sản, trí thức
và trung nông", phải "tập hợp hoặc lôi kéo phú nông, tư sản và tư bản
bậc trung, đánh đổ các đảng phái phản cách mạng"4. Rất tiếc, những tư tưởng
về đoàn kết dân tộc đó đã không được chú ý thoả đáng trong bản Luận cương
chính trị tháng 10-1930 của Đảng. Đánh giá và nhận định về các giai cấp
khác ngoài công nông nêu trong bản Luận cương này là một bước thụt lùi so với Sách
lược vắn tắt và Chương trình vắn tắt của Đảng. Khuyết điểm
cơ bản của cao trào cách mạng 1930 là ở chỗ nó mới chỉ là một cao trào cách mạng
công nông thuần tuý; liên minh công nông chưa tiến lên làm nòng cốt cho một
phong trào dân tộc rộng lớn. Thời kỳ 1939-1945, Đảng ta đã nhận định rất đúng đắn
là: "Đế quốc Pháp - Nhật chẳng những áp bức các giai cấp thợ thuyền, dân
cày, mà chúng nó áp bức bóc lột cả các dân tộc không chừa một hạng nào. Dẫu là
anh tư bản, anh địa chủ, một anh thợ hay một anh dân cày đều cảm thấy cái ách nặng
nề của đế quốc là không thể nào sống được. Quyền lợi tất cả các giai cấp bị cướp
giật, vận mạng dân tộc nguy vong không lúc nào bằng"5. Từ đó Đảng có cái
nhìn chính xác khi đánh giá thái độ chính trị của các giai cấp và tầng lớp
trong xã hội, nhất là các giai cấp và tầng lớp bên trên. Chẳng hạn đối với giai
cấp địa chủ - phú nông và tư sản thì "chỉ trừ một số ít làm tay sai cho giặc
Pháp, hoặc đi bợ đỡ ton hót bọn Nhật, còn phần đông đã có cảm tình với cách mạng
hoặc giữ thái độ trung lập"6.
Trước chuyển biến của thời cuộc, các
đoàn thể chính trị, tôn giáo cũng đều có thay đổi. "Trong sự thay đổi ấy
ta thấy lực lượng của phe cách mạng tăng gia mà hậu bị quân của địch nhân sẽ do
đó mà giảm xuống nhiều"7. Đó là cơ sở khách quan để đoàn kết dân tộc. Song
để làm được điều đó, việc xử lý mối quan hệ về quyền lợi giữa các giai cấp
trong xã hội là vấn đề có ý nghĩa quyết định. Tất cả các mối quan hệ về quyền lợi
ấy phải đặt trên cơ sở quốc gia trước hết: "Tất thảy những yêu sách của bộ
phận mà có hại đến quyền lợi của toàn thể, của giai cấp mà có hại đến quyền lợi
của dân tộc, thì phải gác lại để giải quyết sau. Trong lúc này quyền lợi của bộ
phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc.
Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được
độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc
còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm
cũng không đòi lại được"8.
Chương trình cứu nước của Mặt trận Việt
Minh là sự cụ thể hoá tư tưởng đại đoàn kết trên đây của Đảng và Hồ Chí Minh.
Trước hết, quyền lợi của các giai cấp, tầng lớp tham gia vào Mặt trận Việt Minh
được thể hiện ngay trong mục tiêu cao nhất của nó là vấn đề chính quyền nhà nước
sau khi đánh đổ được đế quốc và tay sai. Đó không phải là chính quyền công nông
binh như cách đặt vấn đề trước đây của Đảng, mà là - như Hội nghị Trung ương lần
thứ tám vạch rõ - một chính quyền "không phải thuộc quyền riêng của một giai
cấp nào mà là của chung cả toàn thể dân tộc, chỉ trừ có bọn tay sai của đế quốc
Pháp - Nhật và những bọn phản quốc, những bọn thù, không được giữ chính quyền,
còn ai là người dân sống trên dải đất Việt Nam thảy đều được một phần tham gia
giữ chính quyền, phải có một phần nhiệm vụ giữ lấy và bảo vệ chính quyền ấy"9.
Đi vào cụ thể, Chương trình Việt Minh vừa bảo đảm quyền lợi nhất định của quần
chúng cơ bản, nòng cốt của mặt trận đoàn kết, vừa chiếu cố thích đáng tới quyền
lợi của các tầng lớp, giai cấp khác trong xã hội, vừa bảo đảm được quyền lợi
chung của tất cả các thành viên tham gia vào phong trào giải phóng, vừa chú ý tới
đặc điểm và quyền lợi của các thành phần xã hội cụ thể khác nhau.
Trong mối quan hệ trên thì giải quyết mối
quan hệ giữa địa chủ - nông dân là quan trọng và phức tạp hơn cả. Việc tạm gác
khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, chỉ tịch thu ruộng đất của đế quốc và Việt gian
phản động chia cho dân cày nghèo, giảm tô, giảm tức là việc giải quyết thoả
đáng nhất mối quan hệ quyền lợi giai cấp trên, nó vừa phù hợp với trình độ quần
chúng, với điều kiện lịch sử lúc đó, vừa cô lập được cao độ kẻ thù là đế quốc
và tay sai, khai thác triệt để các nhân tố tích cực trong phong trào giải phóng
dân tộc.
Chưa cải cách ruộng đất, nhưng không phải
vì thế mà người nông dân giảm bớt tinh thần đấu tranh của mình, vì giải phóng
dân tộc họ sẽ thoát khỏi ách áp bức nặng nề, nhất là của đế quốc Nhật - Pháp, họ
cũng được hưởng các quyền lợi kinh tế, chính trị chung mà toàn thể nhân dân được
hưởng, được chia ruộng đất của đế quốc và Việt gian phản động... Vả lại bản
thân họ không phải chỉ là người nông dân khát khao ruộng cày, mà lúc này, cao
hơn hết, họ còn là người dân mất nước khát khao độc lập, tự do.
Thực tiễn chứng tỏ là không đứng trên lập
trường giai cấp công nhân để giải quyết vấn đề dân tộc mà nhấn mạnh quá đáng đến
vấn đề giai cấp, hạ thấp vấn đề dân tộc, không chú ý tới đặc điểm và truyền thống
dân tộc, cũng sẽ phạm phải những sai lầm làm tổn hại tới khối đoàn kết toàn dân
và rốt cuộc chính ngay quyền lợi của quần chúng cơ bản cũng bị ảnh hưởng. Mặt
trận Việt Minh sở dĩ có sức lôi cuốn mạnh mẽ và trở thành đại diện cho phong
trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam chính vì nó thoát khỏi những định kiến hẹp
hòi, đánh giá đúng được các thành phần xã hội trong cộng đồng dân tộc; do đó nó
đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân nổi dậy đè bẹp nhanh chóng kẻ
thù trong những ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám vĩ đại. Cứu quốc đã trở thành
nhiệm vụ thiêng liêng nhất của mỗi người Việt Nam yêu nước.
Như vậy sức mạnh của giai cấp công nhân
Việt Nam, một giai cấp chiếm chưa đầy 1% dân số lúc đó, không phải chỉ vì nó
lôi cuốn được người bạn đồng minh vĩ đại là nông dân, mà còn là ở chỗ trên cơ sở
liên minh công nông nó còn lôi cuốn, quy tụ xung quanh mình tất cả các giai cấp,
tầng lớp xã hội khác của dân tộc đứng dưới ngọn cờ giải phóng của mình. Hiểu
theo một ý nghĩa nào đó, giai cấp công nhân trở thành một giai cấp dân tộc là
vì vậy.
Thành lập Mặt trận Việt Minh còn đánh dấu
một bước tiến mới của Đảng ta trong việc nhận thức vấn đề dân tộc và giai cấp
trong quan hệ ba nước Đông Dương. Đó cũng là sự khẳng định trong thực tiễn những
tư tưởng đúng đắn và sáng tạo của Hồ Chí Minh về vấn đề này, một vấn đề đã diễn
ra cuộc đấu tranh không ít phần gay gắt trong nội bộ những người cộng sản Việt
Nam trong những năm 30 của thế kỷ XX.
Sự thừa nhận ở Đông Dương tồn tại ba dân
tộc có quá trình phát triển chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội riêng, đã từng
tồn tại với tư cách là các quốc gia trong lịch sử, đã tạo ra khả năng hết sức
to lớn để động viên tinh thần dân tộc ở mỗi nước, chống lại âm mưu chia rẽ,
xuyên tạc của kẻ thù, tăng cường một bước mới về chất liên minh chiến đấu giữa
ba nước Đông Dương trong sự nghiệp giải phóng chống kẻ thù chung.
Mặt trận thống nhất chống Nhật - Pháp của
nhân dân Đông Dương lúc này được quan niệm trên cơ sở liên minh của Mặt trận
dân tộc thống nhất ở mỗi nước: Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh), Ai Lao độc
lập đồng minh và Cao Miên độc lập đồng minh. Dân tộc Việt Nam có nhiệm vụ phải
giúp đỡ các dân tộc Miên, Lào trên bước đường đấu tranh cho tự do, độc lập. Thống
nhất hành động chống kẻ thù chung và quyền dân tộc tự quyết được coi như nguyên
tắc cao nhất trong quan hệ giữa ba dân tộc Đông Dương. Tất nhiên sẽ không đúng
khi Chương trình Việt Minh nêu ra "thừa nhận quyền dân tộc tự quyết đối với
các dân tộc thiểu số ở Đông Dương"10. Vấn đề này, trong Chỉ thị của Tổng bộ
Việt Minh ngày 15-11-1942 lại giải thích rõ thêm sau khi đánh đuổi Pháp - Nhật
rồi, "các dân tộc dù lớn dù nhỏ, dù có đất nước hay không có đất nước cũng
được hưởng quyền dân tộc tự quyết"11.
Sự mở rộng khái niệm quyền dân tộc tự
quyết một cách không có giới hạn và đơn giản sẽ dẫn đến nguy cơ làm suy yếu và
phá vỡ những cộng đồng dân tộc đã ổn định của một quốc gia trong lịch sử. Giữa
dân tộc đa số và các dân tộc thiểu số ở mỗi nước Đông Dương nói chung cũng như ở
Việt Nam nói riêng, tuy có những đặc điểm và khác biệt, nhưng mặt chủ yếu là mối
liên kết bền vững đã được hình thành, củng cố qua quá trình lịch sử lâu dài,
cùng dựa vào nhau để tồn tại, chống sự đồng hoá và xâm lược bên ngoài. Chính
sách "chia để trị" luôn luôn là thủ đoạn hàng đầu của bọn xâm lược.
Vì thế chủ trương đúng đắn nhất - và đã được thực tiễn khẳng định - là trước mắt
"các dân tộc chỉ có đoàn kết nhau lại trong Việt Minh... thì mới mưu được
tự do độc lập và sung sướng"12.
Cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc
Đông Dương còn là một phần của phong trào cách mạng quốc tế, trước mắt là một bộ
phận của phong trào nhân dân thế giới do Liên Xô làm trụ cột chống chủ nghĩa
phát xít vì độc lập dân tộc, dân chủ và hoà bình. Cuộc đấu tranh này gắn liền với
vận mệnh của các dân tộc Đông Dương. Giai cấp vô sản Đông Dương chỉ có thể làm
trọn nhiệm vụ vẻ vang của mình và đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp chung đó khi
và chỉ khi nó xác lập vững vàng vai trò tiên phong trên mảnh đất của dân tộc và
làm tròn sứ mệnh lịch sử đối với dân tộc mình. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn nhất
chủ nghĩa yêu nước trong sáng và chủ nghĩa quốc tế vô sản chân chính. Chủ nghĩa
Mác - Lênin ở Việt Nam có sức sống và sức mạnh kỳ diệu có lẽ chủ yếu bắt nguồn
từ đây. Thiết nghĩ những bài học trên không phải chỉ có giá trị trong đấu tranh
để giải phóng đất nước mà còn cả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã
hội chủ nghĩa ngày nay.
-----------------
* Khoa Lịch sử - Trường đại học
Khoa học Xã hội và Nhân văn. Bài đã đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số
4-1990.
1. C. Mác - Ph. Ăngghen: Tuyển tập, Nxb.
Sự thật, Hà Nội, 1980, t.I, tr.565.
2. C. Mác - Ph. Ăngghen: Tuyển tập,
Sđd, t.IV, tr.565.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6,
tr.171.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3,
tr.4.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng
toàn tập, Sđd, t.7, tr.112.
6, 7, 8. Đảng Cộng sản Việt Nam:
Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.7, tr. 116, 117, 113.
9. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng
toàn tập, Sđd, t.7, tr.114.
10, 11. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn
kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.7, tr. 467, 485.
12. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện
Đảng toàn tập, Sđd, t.7, tr.485.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét