LTS: Giáo sư Trần Văn Giàu, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, người đã lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa tháng Tám 1945 giành chính quyền ở Sài Gòn và Nam Bộ, sử gia, giải thưởng Hồ Chí Minh, Anh hùng lao động nước CHXHCN Việt Nam, đã từ trần vào lúc 17 giờ 20 phút ngày 16/12/2010 tại TP. Hồ Chí Minh. Tạp chí Hồn Việt xin trích đăng một đoạn trong Hồi kýcủa GS về quyết định kháng chiến 23/9/1945 của GS và Xứ ủy Nam Bộ và hệ lụy của nó đối với GS.
|
“Một cuộc đời thôi mà biết mấy đa đoan”. Chế Lan Viên viết như thế. Một cuộc đời phản chiếu bao nhiêu những biến cố lớn, những khúc quanh và những bí ẩn của lịch sử. Rồi chúng ta sẽ còn trở đi trở lại với nhân vật lịch sử và nhà sử học này.
***
Trong Lời nói đầu của tập “Hồi ký 1940-1945”, Giáo sư Trần Văn Giàu viết: “Tôi viết tập Hồi ký này từ cuối những năm bảy mươi (của thế kỷ XX)”. Một trong những lý do khiến ông viết Hồi ký là “có một số việc, nếu mình không kể lại thì không ai biết”… “cho nên, viết Hồi ký này, tôi chỉ mong cho các cháu đời sau biết được rằng ông nó đã gắng sức làm tròn trách nhiệm ở đời, đã sống có nhân cách. Thế là đủ”.
Nhiều người đề nghị ông cho phép xuất bản, nhưng ông từ chối. Ông bảo: “Đợi đến khi tôi từ giã cõi đời đã”. Tuy nhiên, trong mấy chục năm qua, nhiều người được ông cho phép đọc, nhân bản; một số tờ báo trích đăng một số đoạn trong Hồi ký.
***
Đêm 22 rạng sáng ngày 23 tháng 9 năm 1945, Pháp xua quân đánh chiếm: Trụ sở Ủy ban Nhân dân Nam Bộ/ Trụ sở Quốc gia tự vệ cuộc/ Nhà đèn/ Trụ sở Bưu điện/ Đài phát thanh/ Mấy bót chính.
Và lính Pháp đi pa-trui suốt đêm ở phần chính trung tâm Sài Gòn. Tiếng súng nổ, nổ càng lúc càng nhiều. Các tiểu đội bảo vệ cơ quan đều chống cự mãnh liệt với địch tới viên đạn cuối cùng; tự vệ khu phố cũng nổ súng bắn trả bọn pa-trui Pháp hung hăng. Cả Sài Gòn không ngủ.
Tôi được Huỳnh Văn Tiếng báo tin bắt đầu chiến sự vào lúc mười giờ hơn.
Và từ giờ đó, tôi viết lời kêu gọi kháng chiến và triệu tập gấp cuộc hội nghị liên tịch sáng sớm mai giữa Tổng bộ Việt Minh, Xứ ủy, Ủy ban Nhân dân và Ủy ban kháng chiến.
Từ Sài Gòn vô Chợ Lớn, đi hết đường Frère Louis (nay là Nguyễn Trãi) thì tới đường Cây Mai (nay cũng là Nguyễn Trãi). Hai đường gối đầu nhau ở biên giới hai thành phố của Địa phương SC. Frère Louis – Cây Mai là một con đường đã có từ hồi thời phong kiến, từ thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, đường này xuất từ cửa tây thành Gia Định đi xuống Định Tường, Vĩnh Long: một đoạn của đường thiên lý, đoạn dọc theo một số chùa nổi tiếng, mà ngôi chùa cuối cùng và nổi tiếng nhất là chùa Cây Mai, nơi gặp gỡ của thi nhân Gia Định. Cái tên đường Cây Mai có lẽ bắt nguồn ở đó. Từ ngày Tây chiếm Sài Gòn, phá đại đồn Chí Hòa, thì “chùa Cây Mai” xây dựng trên một quả đồi cao; chùa bị Pháp phá đi và xây dựng lên một cái đồn lớn, kiên cố; chùa lần lần bị quên lửng, mà “đồn Cây Mai” lại nổi danh lần. Tiếng ngâm vịnh của nhà văn im bặt trước tiếng “tò te” của kèn lính khố đỏ khố xanh.
Hội nghị liên tịch của chúng tôi mở ở một điểm giữa đồn Cây Mai và biên giới Sài Gòn – Chợ Lớn; cách nhà ở của tôi chừng 50 thước. Nhà tôi lúc đó ở số 107 (đường Ngô Quyền hiện nay). Nơi họp hội nghị là số 629 đường Cây Mai (nay là Nguyễn Trãi). Tôi với Tiểng đi bộ từ nhà sang nơi họp, vừa đi vừa bàn cách in ấn, phát hành lời kêu gọi kháng chiến. Cuộc họp bắt đầu trước hừng sáng ngày 23. Mục đích cuộc họp là quyết định kháng chiến, kêu gọi nhân dân Sài Gòn và nhân dân Nam Bộ đứng lên cầm vũ khí kháng chiến bảo vệ độc lập tự do. Tôi tính rằng cuộc hội nghị sẽ ngắn, gọn, toàn thể sẽ nhất trí dễ dàng. Dự hội nghị có: Hoàng Quốc Việt, Cao Hồng Lãnh (của Tổng bộ), Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Nguyễn (của Xứ ủy); Phạm Ngọc Thạch, Ngô Tấn Nhơn (của Ủy ban Nhân dân); Huỳnh Văn Tiểng, Trần Văn Giàu (của Ủy ban Kháng chiến)…
Tôi báo cáo tình hình: quân Pháp với sự đồng tình và hỗ trợ của quân Anh đã chiếm trung tâm Sài Gòn (trụ sở Ủy ban, trụ sở Quốc gia tự vệ cuộc, các bót lớn, nhà dây thép…). Các đội bảo vệ cơ quan và tự vệ khu phố đã chống cự mãnh liệt. Lực lượng vũ trang và nhân dân đang chờ lệnh, và trong lúc chờ lệnh, vẫn nổ súng chận địch. Như vậy là Pháp đã bắt đầu xâm lược nước ta một lần nữa.
Tôi xin hội nghị quyết định bắt đầu kháng chiến. Tôi yêu cầu hội nghị thông qua lời kêu gọi kháng chiến đã được viết rồi và cần được anh em chỉnh lý, bổ sung. Tôi cũng đề nghị Xứ ủy và Ủy ban dời về một nơi an toàn, tôi đề nghị là ở Cần Đốt, gần thị xã Tân An, trên đường đi vào Đồng Tháp Mười, Mộc Hóa. Có thể bây giờ tạm dọn đến thị xã Mỹ Tho, nhưng nếu đóng ở đó thì ta dễ bị đánh úp bằng đường sông, bằng tàu chiến như hồi gần 100 năm về trước. Còn về phần cơ quan chỉ đạo tác chiến thì tôi nói với Xứ ủy và Ủy ban kháng chiến là dời ngay xuống Chợ Đêm, bên kia cầu Bình Điền.
Tôi rất chủ quan; chủ quan y như hồi bắt đầu hội nghị Chợ Đệm giữa tháng 8 để quyết định khởi nghĩa. Tôi tưởng chừng đâu ý kiến đề nghị của tôi là chí lý, nên sẽ được toàn thể anh em chấp nhận ngay, chỉ sửa chữa chút đỉnh bản kêu gọi kháng chiến mà thôi. Chớ làm sao tôi đoán trước được rằng có người, trong tình hình này, không chịu kêu gọi nhân dân và binh sĩ đứng lên kháng chống Pháp xâm lược, mà người ấy lại là Hoàng Quốc Việt?
Trước đây, tôi nghe đồn Hà Bá Cang (Hoàng Quốc Việt) sáng suốt. Nhưng từ 2 tháng 9 đến nay, chỉ trong vòng 20 ngày anh ấy đã làm tôi thất vọng về tính sáng suốt hư truyền đó; tôi ngạc nhiên, chưng hửng về một số quyết định kỳ cục của anh. Tôi vừa sôi nổi nhưng vừa bình tĩnh trình bày xong tình hình và dự án nghị quyết, thì anh Hoàng Quốc Việt – như cũng đã suy nghĩ từ đêm khi nghe súng nổ dòn ở trung tâm Sài Gòn – Hoàng Quốc Việt chậm rãi và lạnh lùng nói:
- Không được tự tiện ra lệnh kêu gọi kháng chiến, hãy chờ chỉ thị của Hồ Chủ tịch. Không được nóng vội; hãy chờ chỉ thị của Trung ương Đảng.
Tôi nghe câu ấy như bị không phải một gáo mà một thùng nước lạnh xối trên lưng. Nhưng tôi cố dằn lòng ngồi êm nghe Hoàng Quốc Việt giải thích ý kiến của anh. Ý kiến của anh Việt thực ra cũng rất đơn giản:
Kêu gọi kháng chiến, dù chỉ kêu gọi đồng bào Sài Gòn và Nam Bộ thôi, là một điều hệ trọng lắm. Vấn đề được đặt ra là bắt đầu kháng chiến hay là tiếp tục hòa hoãn; là nói chuyện bằng súng đạn hay tiếp tục thương lượng bằng hội nghị? Bây giờ, trong lúc chúng ta mới nắm chính quyền, tổ chức còn bề bộn, lực lượng còn ít oi, thế bị cô lập, thì ta nên hòa hoãn thương lượng, không nên đối đầu bằng súng đạn, bằng vũ khí. Nếu nay ta kêu gọi kháng chiến, máu sẽ đổ thêm nhiều, thì sẽ càng khó thương lượng, thương lượng không được nữa.
Cũng có thể là chúng ta bị bắt buộc phải hô hào kháng chiến, lấy súng đạn chọi với sung đạn, nhưng phải chờ lệnh của Hồ Chủ tịch, của Trung ương Đảng mới được; ta không được tự mình kêu gọi kháng chiến. Nếu gặp trường hợp ở đây ta kêu gọi kháng chiến mà Hà Nội không đồng ý, không tán thành, thì ta sẽ tính sao đây? Cho nên phải chờ. Bây giờ chỉ nên kêu gọi tổng bãi công phản đối xâm lược mà thôi, phải để cửa mở cho sự thương lượng. Chúng ta hôm nay sẽ đánh điện báo cáo và thỉnh thị với Hồ Chủ tịch, với Trung ương Đảng. Chúng ta hôm nay cũng sẽ phát lời kêu gọi đồng bào sẵn sàng đợi lệnh của Chính phủ Trung ương, và sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ độc lập tự do. Hoàng Quốc Việt nói như vậy, nói như chỉ thị của người lãnh đạo có toàn quyền.
Có người, tôi không nhớ là ai, hình như là Ngô Tấn Nhơn trả lời ngay cho Việt rằng: tổng bãi công bây giờ không hại gì cho Pháp cả; vì Pháp chỉ có vài cơ quan và vài người Việt Nam làm mướn cho nó; tổng bãi công không ngăn chặn được sự xâm chiếm bằng vĩ lực. Nó đánh tới mà ta ngồi chờ lệnh Trung ương chưa biết hôm nào tới, thì nay ta mất Sài Gòn, mai ta mất Gia Định, mốt ta mất Chợ Lớn, địch nó có chờ đâu; nó thấy ta chờ, nó càng tiến đánh mau hơn, mạnh hơn; đến khi ta bắt đầu đánh thì địch đã chiếm được lợi thế, ta càng khó khăn hơn biết mấy!
Phạm Ngọc Thạch nói: đánh thì cứ đánh, thương thuyết thì tiếp tục thương thuyết, cái này có “exclure” (Thạch nói nửa ta nửa Tây) – “bài trừ” cái kia đâu? Tôi nghe anh Giàu nói ngày xưa Nguyễn Trãi vừa đánh vừa nói, đánh càng thắng thì nói càng có kết quả. Tụi nó đánh, mình không đánh lại, mà biểu tụi nó ngồi nói chuyện thì sao được?
Huỳnh Văn Tiểng cho rằng: ta chưa ra lời chính thức kêu gọi kháng chiến mà tự vệ, dân quân, thanh niên, công đoàn đã bắt đầu đánh trả quân địch rồi, theo chỉ thị đã truyền sẵn, khi tình thế quá căng. Cuộc kháng chiến tự động đó chắc chắn sẽ mở rộng thêm, kịch liệt thêm cho dù ta không ra lệnh kháng chiến; đến một lúc, không xa lắm đâu, nếu ta không kêu gọi kháng chiến thì ta sẽ không lãnh đạo được phong trào kháng chiến của quần chúng nữa, ta sẽ mất hết uy tín, quần chúng sẽ chán chê sự do dự của ta, ta còn lãnh đạo được ai nữa? Địch đánh ta thì ta đánh lại, tất nhiên phải như thế, chờ sao được? Sao lại chờ? Bảo chờ đợi khác nào là bảo bó tay để cho địch tha hồ bắn giết, xâm chiếm?
GS Trần Văn Giàu phát biểu tại Hội thảo Bản sắc dân tộc trong
văn hóa - văn nghệ năm 2001.
Nguyễn Văn Nguyễn nói: Lấy gì mà đánh? Kháng chiến bằng cái gì?
Tôi đáp ngay: lấy các lực lượng đã làm khởi nghĩa tháng Tám thắng lợi để làm kháng chiến đến thành công. Lực lượng này, bây giờ đã to lớn hơn, có tổ chức hơn, có tinh thần hơn, có vũ trang hơn, được huy động lên thành phong trào yêu nước cao nhất, đều nhất trước nay và sẽ càng cao hơn, đều hơn nữa. Vả lại sức kháng Pháp của chúng ta không phải chỉ có ở Nam Bộ mà sẽ có cả nước Việt Nam - bọn Pháp chiếm lại Sài Gòn là để chiếm lại Nam Bộ, mà chiếm lại Nam Bộ là để chiếm lại cả Việt Nam, như cách đây gần một thế kỷ, chắc không khác mấy, cho nên kháng chiến của ta sẽ được cả dân tộc hưởng ứng. Sức mạnh chiến thắng của ta là ở chỗ đó. Hơn nữa, cuộc kháng chiến của chúng ta tất nhiên sẽ được các dân tộc thuộc địa của Pháp, Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha… hưởng ứng bằng cách này hay bằng cách khác kể cả bằng cách khởi nghĩa. Như vậy, chúng ta sẽ không bị cô lập đâu.
Còn nước Pháp mới bị thua trận, mới khôi phục, làm sao có đủ hơi sức đánh bại cuộc kháng chiến chắc chắn là lâu dài và quyết liệt của dân tộc ta bắt đầu ở Sài Gòn, ở Nam Bộ. Còn nhân dân Pháp, nhân dân các nước tư bản, nhất là còn Liên Xô và các nước cách mạng thành công sẽ ủng hộ ta về ngoại giao quốc tế. Đó là trả lời cho anh Việt về cái gọi là “tình thế bị cô lập”. Con mắt biện chứng không những thấy cái hiện tại mà còn phải thấy sự biến chuyển tương lai của thời cuộc.
Tôi liền trở lại cái ý kiến ban đầu của Phạm Ngọc Thạch về việc vừa đánh vừa nói chuyện (sau này gọi là đánh và đàm), tôi là thầy giáo; nên tôi đưa ra tỷ dụ lịch sử dài dòng hơn, chí lý hơn, rành mạch hơn Thạch. Và tôi nói thêm rằng, nếu Chính phủ và Trung ương không tán thành kháng chiến (mà tôi chắc chắn rằng Chính phủ và Trung ương nhất định sẽ tán thành) thì trong trường hợp đó, Chính phủ và Trung ương có đủ quyền, đủ lý để ra lệnh đình chỉ kháng chiến, bãi chức những người có chủ trương đánh, rồi tiếp tục thương lượng hòa bình, có sao đâu? Còn như ta mà “chờ”; mà “đợi” thì sẽ bị kẻ địch tiến công, đánh chiếm càng mau, càng nhiều, tinh thần nhân dân sẽ suy yếu, rời rã, khi ấy ta sẽ lâm vào chỗ thương lượng trên thế yếu, ai chịu trách nhiệm? Nếu không phải chính chúng ta đây?
Anh Việt trở lại vấn đề báo cáo thỉnh thị, về quyền quyết định của Trung ương, của Hồ Chủ tịch trong việc lớn, rất lớn như việc kêu gọi kháng chiến. Phải chờ đợi. Không thể khác được. Thấy rõ là đại đa số anh em dự hội nghị tán thành ý kiến của tôi, nhưng Việt chính thức là đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, mà trước hết là đại biểu của Trung ương Đảng. Làm sao cãi ý kiến, trái ý kiến anh ấy được?
Cho nên Phạm Ngọc Thạch đẻ ra ý kiến “nửa chừng”: tổ chức biểu tình lớn chống xâm lược, ngay ở trung tâm Sài Gòn (Phạm Ngọc Thạch nói rằng anh sẽ tình nguyện dẫn đầu). Biểu tình tay không. Biểu tình đông như 25 tháng 8, như 2 tháng 9. Pháp sẽ bắn vào biểu tình. Phóng viên cả nước sẽ đưa tin lên báo chí, đài phát thanh khắp thế giới sẽ làm ầm lên, gây dư luận quốc tế rộng lớn bắt buộc Pháp phải ngừng tiến công và phải ngồi đàm phán.
Có người, tôi quên là ai, hình như là Ung Văn Khiêm, nói chơi, rằng đề nghị của Thạch “có mùi vị bất bạo động” của Mahamad Gandi. Anh em bỏ qua ý kiến của Thạch, một ảo tưởng. Thật ra, trong tình hình lúc bấy giờ, dân Sài Gòn đang tản cư, ai ở đó mà biểu tình, đồng bào yêu nước đang chờ đợi lệnh đánh giặc, giết giặc xâm lăng mà ta kêu gọi biểu tình tay không (như thời trước Godart Brévie) thì ai nghe mình? Ảo tưởng đó, chính Thạch cũng thấy ngay.
Cuộc thảo luận tới lúc lình bình như ở “giáp nước”. Tôi thuyết phục anh Việt không nổi. Anh Việt thuyết phục tôi không nổi. Anh em vài người chẳng nói gì, có lẽ ngại khác ý với đại biểu của Tổng bộ. Tôi bèn đưa ra cái lập luận cuối của tôi để phá bế tắc. Hội nghị đã kéo dài hơn một tiếng đồng hồ rồi, mà, bây giờ, một tiếng là lâu quá! Tôi chậm rãi, nhấn từ câu một, từ tiếng một, nói:
- Các anh! Địch đánh ta thì ta phải đánh lại, tất nhiên phải như vậy; ta không đánh lại thì địch càng đánh tới, ta càng mất đất, mấy dân, nhất là mất uy tín trong dân.
- Ta không ra lệnh đánh thì dân cũng đánh, đánh thiếu tổ chức, thiếu chỉ huy; dân đánh mà ta không chịu đánh thì ta làm sao lãnh đạo được dân nữa?
- Ta đánh, diệt nhiều địch gây nhiều tổn thất về người, về của cho địch thì địch mới chịu thương lượng đàng hoàng; ta quyết không để nó thương lượng trong thế thắng. Kháng chiến không loại trừ thương lượng, không rấp ngõ thương lượng; kháng chiến càng có hiệu quả thì ta mới có thể mạnh để thương lượng. Cổ kim đông tây, ở lịch sử ta cũng vậy, vừa đánh vừa nói chuyện là thường, muốn bao nhiêu tỷ dụ cũng có.
- Tất nhiên là ta phải báo cáo thỉnh thị. Đừng tưởng rằng, đừng cho rằng ý kiến của tôi là không cần báo cáo thỉnh thị. Không phải như vậy. Nhưng, ta không chờ có chỉ thị kháng chiến mới bắt đầu kháng chiến. Trong tình hình hiện giờ chắc chắn trăm phần trăm là Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tán thành kháng chiến. Không thể khác. Nếu ta chờ lệnh đánh mới đánh thì địch sẽ có lợi thế nhiều quá, ta sẽ thất thế nhiều quá. Không nên chờ. Phải đánh trả ngay.
Rồi tôi đưa ra cái ý kiến cuối cùng mà tôi đã nghiền ngẫm nãy giờ sau khi tôi nghe Việt bảo phải đợi chỉ thị. Tôi nói, tay nắm chặt dằng xuống bàn như sắp làm một việc gì đó có tính chất quyết định số phận của chính mình:
“Tướng ở biên cương, cũng như tướng ở nội địa và ở kinh thành đều phải theo lệnh vua, nguyên tắc là như vậy. Song, tướng ở biên cương có khi không chờ lệnh vua, trong trường hợp nếu chờ lệnh vua thì địch lấy mất biên ải, tràn vào nội địa, cướp của, bắt người, chiếm đất. Tướng biên cương phải biết tự quyết định theo đường lối bảo vệ đất nước mình. Tướng biên cương cũng có thể làm khác thậm chí làm khác lệnh vua trong trường hợp lệnh vua tới nơi thì tình hình đã khác hẳn, nếu theo lệnh cũ thì hại cho dân, cho nước, cho vua. Tướng biên cương phải biết quyền biến, hoặc tử thủ để làm chậm bước tiến của địch, hoặc rút lui để bảo toàn chủ lực, hoặc phản công để tiêu diệt địch, làm những việc mà trong lệnh vua không có. Vua sẽ xem xét sau, đúng thì khen, sai thì trị tội, thì chém đầu.
Tôi bây giờ là tướng biên cương. Tôi thấy có trách nhiệm phải quyết định; phải quyền biến. Tôi không chấp nhận ý kiến “đợi lệnh” của đồng chí Hoàng Quốc Việt – một ý kiến tiêu cực. Tôi quyết định đánh ! Đánh lại ngay. Tôi xin trình với hội nghị lời kêu gọi kháng chiến sau đây của Ủy ban kháng chiến để các đồng chí chỉnh lý, chuẩn y”.
Tôi liền đọc theo lời kêu gọi kháng chiến, bất chấp sự phản đối của Viêt (tựa như Phạm Ngọc Thạch đã bất chấp chỉ thị của Hoàng Quốc Việt giải tán Thanh niên Tiền Phong hai tuần trước đây). Đa số hội nghị tán thành bản kêu gọi.
Tôi đưa bản “kêu gọi” cho Tiểng đem đi in ngay ở Chợ Lớn với số lượng vô tận cho kịp và dán ngay buổi sáng nay. In như thế nào, cái để dán trên tường, cái để truyền tay, gởi các ô tô đi lục tỉnh. Tiểng đi ngay.
Việt lên án tôi là vô kỷ luật, vô chính phủ. Tôi không phải là người thiếu mồm, thiếu chữ để đáp lại Việt. Về tranh cãi, về lý luận, về đấu khẩu thì Hoàng Quốc Việt còn xa mới là đối thủ của Trần Văn Giàu. Nhưng đấu khẩu làm gì? Hãy lo cho chiến đấu với địch. Khi quyết định kháng chiến ngay, đánh trả lại ngay, tôi đã thấy trước rằng “số phận” của tôi đã được quyết định, quyết định đó ở trong tay Việt.
(Về sau, có người đã nói rằng tôi đã rút súng, dằng súng trên bàn họp. Đâu có! Tôi đâu có vũ phu đến thế? Nhưng tách đĩa trên bàn có lúc cũng động địa một chút).
Cuối cùng, khi Tiểng đi rồi, tôi nói: “Tôi làm sai thì cụ Hồ Chí Minh và Chính phủ sẽ trị tội, trị tới mức nghiêm khắc nào cũng được, tôi vui lòng chịu. Tôi làm đúng thì cụ Hồ Chí Minh, Chính phủ và lịch sử sẽ biết cho tôi. Tôi nhận lãnh trách nhiệm”.
Đoàn TP. Hồ Chí Minh ra dự Hội thảo về Từ điển Bách khoa năm 1997 tại Hà Nội.
(GS Trần Văn Giàu đứng cạnh Thủ tướng Võ Văn Kiệt thứ 4 từ phải sang).
Trước cửa nhà họp, hàng chục cán bộ, nhân dân chí cốt tụ họp sớm giờ mỗi lúc thêm đông, chờ lệnh kháng chiến.
Hội nghị chấm dứt. Đi ra, tôi còn ngoái lại nói một lần nữa: “Xứ ủy và Ủy ban hãy về Cần Đốt – Tân An; đừng đi Mỹ Tho nghen; hãy nhớ rằng Pháp có chiến thuyền xuất kỳ bất ý vào Mỹ Tho bằng ngõ cửa Tiểu như hồi thế kỷ trước; mình sẽ chạy không kịp”. (Các anh không nghe lời tôi, không nghe lời thằng thuộc lịch sử).
Chưa đầy mười giờ sáng ngày 23 thì hàng chục xe hơi, hàng trăm xe đạp, hàng ngàn đồng bào đua nhau phát lời kêu gọi kháng chiến khổ nhỏ, chữ nhỏ, dán lời kêu gọi kháng chiến chữ đậm, khổ lớn, kêu gọi của Ủy ban kháng chiến.
Anh Hoàng Quốc Việt một vài ngày sau đó, cũng có một bài tuyên cáo lấy danh nghĩa Ủy ban nhân dân. Ai nấy đều có thể so sánh hai bài. Nói thật, nhân dân không mấy ai để ý tới bài của Việt dù là phát hành dưới danh nghĩa Ủy ban nhân dân Nam Bộ. Ít ai để ý đến lời kêu gọi của Việt, mọi người đều hăm hở làm theo lời kêu gọi của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ.
Trong cuộc hội nghị đường Cây Mai, anh Nguyễn Văn Nguyễn rất ít phát biểu ý kiến; ý của anh lơ lửng. Về sau, năm 1947 hay 1948, khi Nguyễn chết vì bệnh thương hàn ở Liên khu 5, trên con đường ra Trung ương, người ta thấy trong cái sổ tay của Nguyễn cái ý kiến trễ tràng mà cần thiết, hữu ích rằng ở hội nghị đường Cây Mai trong vấn đề đánh hay không đánh, “ý kiến của thằng Giàu là đúng, ý kiến của anh Việt là sai” (Tôi không được đọc, mà có nhiều người đã đọc, trong số đó có Thạch, Tiểng, họ kể lại cho tôi).
Nhưng, than ôi! Đã đương đầu với Việt trong một vấn đề lớn như thế (sau khi đã chống lại Việt ở nhiều vấn đề quan trọng khác như Thanh niên Tiền phong, Hòa Hảo, đưa Trốt-kýt vào Ủy ban Nam Bộ…) thì Việt và tôi làm sao còn có thể công tác được? Một người phải đi. Người phải đi khi ấy chỉ có thể là tôi (và Phạm Ngọc Thạch, thì Thạch cũng đã đương đầu với Việt trong vấn đề giải tán Thanh niên Tiền Phong và cả trong vấn đề kêu gọi kháng chiến). Buồn đời là, khi tôi bị Việt “đưa” ra Bắc thì đã tới Bắc trước tôi, cái tin sai lầm, nguy hiểm, cái vu cáo trắng trợn là “Giàu bị đưa ra Bắc vì không chịu kháng chiến”. Hay không! Người chủ trương kháng chiến bị tố cáo (ngầm) là không chịu kháng chiến. Còn người không chịu kháng chiến thì được tiếng thơm là chủ trương và lãnh đạo kháng chiến! Trời hỡi trời ơi!
Bằng cớ đây, chối cãi sao được? Về sau, người ta viết “sử” nói rằng trong hội nghị Cây Mai, anh Việt ban đầu không chịu đánh sau rồi thuận theo đa số, cũng tán thành đánh. Đâu có! Đâu có!
Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ
Đồng bào Nam Bộ!
Nhân dân thành phố Sài Gòn!
Anh em công nhân, nông dân, thanh niên, tự vệ, dân quân, binh sĩ!
Đêm qua, thực dân Pháp đánh chiếm trụ sở chính quyền ta ở trung tâm Sài Gòn.
Như vậy là Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta một lần nữa.
Ngày 2 tháng 9, đồng bào đã thề quyết hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ độc lập của Tổ quốc:
“Độc lập hay là chết”!
Hôm nay,
Ủy ban kháng chiến kêu gọi :
Tất cả đồng bào, già, trẻ, trai, gái, hãy cầm vũ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược.
Ai không có phận sự do Ủy ban Kháng chiến giao phó thì hãy lập tức rởi khỏi thành phố. Những người còn ở lại thì :
- Không làm việc, không đi lính cho Pháp.
- Không đưa đường, không báo tin cho Pháp.
- Không bán lương thực cho Pháp.
- Hãy tìm thực dân Pháp mà diệt.
- Hãy đốt sạch tất cả các sở, xe cộ, tàu bè, kho tàng, nhà máy của Pháp.
Sài Gòn bị Pháp chiếm phải trở thành một Sài Gòn không điện, không nước, không chợ búa, không cửa hàng.
Hỡi đồng bào!
Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tiêu diệt tay sai của chúng.
Hỡi anh em binh sĩ, dân quân, tự vệ! Hãy nắm chặt vũ khí trong tay, xông lên đánh đuổi thực dân Pháp, cứu nước.
Cuộc kháng chiến bắt đầu!
Sáng ngày 23 tháng 9 năm 1945
Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ
TRẦN VĂN GIÀU
Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ
TRẦN VĂN GIÀU
TS. Phan Văn Hoàng (trích lược)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét