PHẠM BÁ NHIỄU
Ban Tư tưởng - Văn hoá Thành uỷ,
thành phố Hồ Chí Minh
Cuộc tổng khởi nghĩa và nổi dậy đồng loạt,
hào hùng của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định giành chính quyền về tay
nhân dân ngày 25-8-1945 thắng lợi hoàn toàn và Sài Gòn hầu như được giữ nguyên
vẹn. Đây là kết quả của những hy sinh to lớn của quần chúng nhân dân, trong đó
có vai trò của những lực lượng trí thức yêu nước, những người đã toàn tâm, toàn
trí đi cùng Đảng ta để lãnh đạo nhân dân Nam Bộ làm nên những ngày Tháng Tám
mùa thu vẻ vang và hào hùng đó.
Vào những ngày giữa năm 1945, ở miền Nam
và nhất là tại Sài Gòn - Chợ Lớn, trung tâm của Nam Bộ, khí thế và phong trào
cách mạng đã nổ ra rầm rộ. theo lời kể của Giáo sư Trần Văn Giàu, trong tháng
7-1945, đồng chí Lý Chính Thắng đã vượt qua bao vòng vây nguy hiểm, mang theo
Nghị quyết Hội nghị toàn quốc của Đảng ta do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ đạo về
đến Sài Gòn. Trước đó, tháng 6-1945, đồng chí Dương Bạch Mai, lúc này đang hoạt
động ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trở về tham gia phong trào ở Sài Gòn - Chợ Lớn.
Đồng chí Trần Văn Giàu và Hà Huy Giáp cùng bàn với các đồng chí trong Xứ uỷû
Nam Kỳ, lấy tên chính quyền sau khi khi Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi là “Lâm
uỷ hành chính Nam bộ”. Tình hình ở Sài Gòn - Chợ Lớn càng diễn biến nhanh chóng
sau khi Thanh niên tiền phong tuyên bố công khai đứng ra cùng nhân dân ta đấu
tranh và ra tuyên bố cùng khẩu hiệu hành động.
Ngày 20-8-1945, Mặt trận Việt
Minh ra hoạt động công khai ngay ở thành phố. Thanh niên Tiền Phong tuyên bố đứng
vào hàng ngũ Mặt trận Việt Minh. Sáng ngày 21-8-1945, sau khi được tin Hà
Nội khởi nghĩa thắng lợi vào ngày 19-8, Hội nghị mở rộng của Xứ ủy Tiền Phong
đã được triệu tập. Tại Hội nghị này ý tưởng có thể thống nhất cho thành phố Sài
Gòn khởi nghĩa vào đêm 22-8, nhưng có nhiều ý kiến không tán thành. Hội nghị đã
tiếp tục phân tích tình hình, so sánh tương quan lực lượng giữa ta và Nhật ở
ngoài Bắc và trong Nam, cho rằng quân đồng minh sẽ “rút kinh nghiệm” ở Hà Nội
ra lệnh cho Nhật đàn áp khởi nghĩa ở Sài Gòn. Cuối cùng, theo đề nghị của đồng
chí Trần Văn Giàu, Bí thư Xứ ủy, đại biểu của Tỉnh ủy Tân An nhận nhiệm vụ khởi
nghĩa ”thí điểm”, chiếm tỉnh lỵ và giữ hai cầu huyết mạch Bến Lức và Tân An. Hội
nghị quyết định sẽ khởi nghĩa Tân An vào đêm 22 rạng sáng ngày 23-8 và tiếp tục
giải quyết những vấn đề tổ chức khởi nghĩa ở Sài Gòn như ngày giờ, cách thức
hành động khởi nghĩa, việc huy động lực lượng nông dân “vành đai đỏ”, dự kiến
cho danh sách cán bộ tham gia Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Kỳ…
Tại các tỉnh Nam Bộ, ngay đêm
24-8-1945, quần chúng cách mạng, bao gồm: công nhân, nông dân, thanh niên có tổ
chức của Sài gòn - Chợ Lớn và các tỉnh Gia Định, Tân Bình, Chợ Lớn, Mỹ Tho,
Biên Hòa, Bến Tre, Tân An, Thủ Dầu Một… từng đoàn, mang theo giáo mác, tầm vông
vạt nhọn… với mọi phương tiện từ các ngả đường kéo về nội thành Sài Gòn để tham
gia khởi nghĩa giành chính quyền vào sáng ngày hôm sau. Đoàn viên công đoàn và
Thanh niên tiền phong đã có mặt khắp mọi nơi sẵn sàng chiếm lĩnh những mục tiêu
được phân công. Từ 19 đến 22 giờ ngày 24-8-1945, quân khởi nghĩa đã ào ạt tiến
vào chiếm các sở cảnh sát, nhà ga, bưu điện, nhà đèn, các quận, bót… Tráng đoàn
Lê Lai thuộc Thanh niên tiền phong chiếm dinh Khâm Sai. Cờ quẻ lỵ bị hạ xuống,
cờ đỏ sao vàng được trương lên. Cuộc chiếm “Soái Phủ Nam kỳ” không vấp phải
sự kháng cự nào vì hầu hết các viên chức cao cấp đều đã tham gia Thanh niên tiền
phong. Riêng tại sở Mật thám (Lúc này thường gọi là lính kín) Catinat, còn có sự
chống cự của thực dân Pháp một cách yếu ớt nhưng ngay sau đó đã bị lực lượng khởi
nghĩa ta đè bẹp.
Sáng 25-8-1945, tại quảng trường
trước Nhà thờ Đức Bà, hàng chục vạn người mang theo cờ đỏ sao vàng đã tổ chức
mít tinh rầm rộ, nhạc công đánh vang bài Quốc tế ca (vì tưởng lầm đó là bài Quốc
ca)1. Trong cuộc mít tinh, quần chúng đã hô vang khẩu hiệu “Độc lập hay là chết”,
“Việt Nam độc lập muôn năm”, “Chính quyền về tay nhân dân” làm âm vang cả một
vùng trung tâm của Sài Gòn… Khi thế cách mạng của quần chúng nhân dân đã làm
chuyển động thực sự khắp Sài Gòn và có tác dụng lan truyền ra cả vùng Nam Bộ.
Trong những cuộc mít tinh diễn ra ở Sài
Gòn như nói trên, thì vai trò của Thanh niên tiền phong, Thanh niên giải phóng
và các tổ chức Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc… đã gây được uy tín cho Đảng
giúp tập hợp hàng chục vạn quần chúng cách mạng nổi dậy tổng khởi nghĩa giành
chính quyền ở Sài Gòn - Chợ Lớn với một ý chí, quyết tâm lớn lao, cùng vì mục
tiêu độc lập dân tộc. Cuộc khởi nghĩa đã thành công nhanh chóng trọn vẹn và
không phải đổ máu.
Các tờ báo công khai tại Sài Gòn, ngay
sau đó đã đồng loạt đăng tường thuật và bình luận về sự kiện lịch sử có một
không hai này. Báo Thanh niên tiền phong số ra đầu tháng 9-1945 cho
biết:“cuộc biểu tình của toàn thể dân chúng Việt, quyết ủng hộ triệt để Mặt
trâïn Việt Minh đã nhất định vào sáng thứ 7 ngày 25-8-1945, để biểu dương sự đồng
tâm hiệp lực của dân tộc trên Mặt trận dân chủ duy nhất. Tới 5 giờ sáng thì tất
cả những công sở và dinh thự được Thanh niên tiền phong chiếm cứ và mang khí giới
gìn giữ cẩn thận dưới lá cờ cách mạng của Mặt trận Việt Minh…
Thế là trong mấy tiếng đồng hồ, cuộc đảo
quyền của Mặt trận dân chủ Việt Minh đã thắng lợi mà không mất một hòn đạn, một
giọt máu”2. Sài Gòn đã hòan toàn về tay nhân dân, thành phố gần như nguyên vẹn,
mà không phải đổ máu trong Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8-1945.
Sau cuộc tổng khởi nghĩa giành thắng lợi,
Lâm uỷ Hành chánh Nam Bộ3do đồng chí Trần Văn Giàu làm Chủ tịch, đổi tên là Uỷ
ban nhân dân Nam bộ do đồng chí Phạm Văn Bạch làm Chủ tịch. Uỷ ban
nhân dân Thành phố do đồng chí Kha Vạng Cân làm Chủ tịch đầu tiên. Đây là những
nhà trí thức lớn của Sài Gòn đã cùng với nhân dân lãnh đạo các cuộc đấu tranh
trong lòng thành phố để gìanh thắng lợi trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính
quyền ngày 25-8-1945.
“Miền Nam đi trước về sau”. Ngót một
thế kỷ qua, miền Nam nói chung, mảnh đất Gia Định nói riêng đã phải trải qua
bao thử thách hy sinh quyết liệt, hết chủ nghĩa thực dân cũ, rồi thực dân mới,
nhưng lực lượng trí thức Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn vẫn luôn gắn bó với Đảng,
với nhân dân, với vận mệnh của dân tộc để đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng
một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
__________
1. Tư liệu do GS Trần Văn Giàu cung cấp
ngày 22-3-2005 với người viết.
2. Lịch sử Đảng bộ… Sđd, tr.193-194.
3. Sau Cách mạng Tháng Tám từ Nam Kỳ gọi
là từ Nam Bộ, Lịch sử Đảng bộ… Sđd, tr.196.
http://www.mattran.org.vn/home/TapChi/so%2035/kntt.htm#2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét