Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

Về tước vị "Bình Tây Đại tướng quân" của Trương Định

Thứ bảy, 15 Tháng 6 2013 17:29 Nguyễn Phúc Nghiệp
Tháng 6/1862, sau khi ký hòa ước nhường đứt cho thực dân Pháp đảo Côn Lôn và ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, triều đình Huế ra lệnh cho Trương Định phải giải tán nghĩa quân ở Gò Công và đi An Giang nhận chức Lãnh binh.
Thế nhưng, nhân dân Gò Công đã tỏ lòng thiết tha mong muốn Trương Định ở lại và cùng với nhân dân chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Trước tấm lòng yêu mến của nhân dân, Trương Định đã không tuân theo lệnh bãi binh của triều đình và tiếp tục chỉ huy cuộc kháng chiến ở Gò Công:
"... Dẫu biết dụng binh nhờ đất hiểm,
Chẳng đành xa bỏ cõi Gò Công."
(Thơ điếu Trương Định - Nguyễn Đình Chiểu)
Và:
"... Bởi lòng chúng chẳng nghe thiên tử chiếu đón ngăn mấy dặm mã tiền,
Theo bụng dân phải chịu tướng quân phù, gánh vác một vai khổn ngoại.
Gồm ba tỉnh dựng cờ phấn nghĩa, sĩ phu lắm kẻ vui theo,
Tóm muôn dân gầy sổ mộ quân, luật lệnh nào ai dám nhạy.
Văn thời Tham biện, Thương biện, giúp các cơ bàn bạc nhung công,
Võ thời Tổng binh, Đốc binh, coi mấy đạo sửa sang khi giới."
(Văn tế Trương Định - Nguyễn Đình Chiểu)
Tại đây, Trương Định được nhân dân và nghĩa sĩ đồng lòng tôn làm chủ soái. Viết về sự kiện này, truyện Lãnh binh Trương Định của Nguyễn Thông cho biết: "Các nghĩa hào không muốn giải binh, giữ Trương Định lại không cho đi, bàn với nhau rằng: "Quân Tây nhiều lần bị dân mình đánh, nên lấy binh lực bắt triều đình phải nghị hòa, không phải là thật lòng đâu. Nay đã định hòa ước, bọn mình không nơi nương tựa, chỉ bằng ra sức chống đánh, giữ một mảnh đất mà đùm bọc lẫn nhau". Mọi người đều cho rằng phải, nhân yêu cầu Trương Định giữ binh quyền. Trương Định còn do dự, chưa quyết thì vừa gặp lức lúc Phạm Tuấn Phát ở Tân Long gửi thư cho các nghĩa hào tới, muốn tôn làm chủ soái". Bài văn bia được khắc trên bia mộ của Trương Định năm 1875 cũng có nhắc đến việc đó"... Năm Nhâm Tuất, Tự Đức thứ 15, do việc hòa nghị, ông được điều bổ về An Giang. Lúc đầu, ông không có ý cưỡng lệnh triều đình, nhưng lại cũng không muốn phụ lòng phẫn khích của mọi người. Họ ngăn ông giữa đường, không muốn cho ông đi nhận chức và đồng lòng suy tôn ông làm đại tướng quân".
Ngay sau đó, Trương Định tự xưng là Bình Tây Đại tướng quân để phất cao cờ nghĩa, hiệu triệu và chiêu tập anh hùng hào kiệt khắp nơi, tạo dựng lực lượng nhằm cứu nước, cứu dân:
"... Cờ đề chữ Bình Tây đại tướng
Trước trí quân ư Nghiêu, Thuấn thượng
Sau vi xã tắc thần
Phải cạn lời rao khắp muôn dân
Sửa tấc dạ dắt dìu về một mối
Bớ trẻ, già, bé, lớn ai ai
Đều bội ám đầu minh cho kíp"
(Hịch Quản Định)
Đến tháng 7/1862, tức là chỉ sau một tháng hòa ước giữa triều đình Huế và thực dân Pháp được ký kết và sau khi Trương Định tự xưng Bình Tây đại tướng quân, vua Tự Đức đã sai quan thị vệ Nguyễn Thi mang "thánh chỉ" vào Gò Công, phong Trương Định chức Bình Tây Đại tướng quân, có lẽ là để "hợp thức hóa" việc nhân dân và nghĩa sĩ suy tôn Trương Định làm chủ soái và việc ông tự xưng Bình Tây đại tướng quân. Về việc này, Gustave Janneau đã đề cập trong báo cáo:
"... Tháng 7/1862, (Võ Duy) Dương phát lời kêu gọi nhân dân Định Tường nổi lên chiến đấu. Trong lúc ấy, ông Phó Lãnh binh Trương Định viết thư cho ông Dương để trình bày là ông Dương sẽ gặp nguy hiểm khi hoạt động riêng lẻ và mời ông Dương đến Gò Công để thống nhất lực lượng hai bên. Ông Trương Định còn nêu địa điểm hội kiến tại huyện Tân Hòa.
Để thỏa thuận giao ước này, ông Dương đã phái Giáo thọ Nguyễn Hữu Huân đến Tân Hòa gặp quan thị vệ Nguyễn Thi. Ông này mang về cho Quản Định một Thánh chỉ phong cho ông (Trương Định) chức Bình Tây đại tướng quân, thống lĩnh chỉ huy các toán quân trong ba tỉnh (Gia Định, Biên Hòa, Định Tường). Giáo thọ Huân sau đó quay trở về ngay. Ông Dương và ông Huân đều nhận chức Chánh Đề đốc và Phó Đề đốc. Cả hai ông cũng được nhận luôn cả ấn triện".
Như vậy, việc Trương Định được suy tôn làm chủ soái, rồi tự xưng Bình tây đại tướng quân và sau đó được triều đình nhà Nguyễn công nhận bằng một đạo thánh chỉ (kể cả được ban cấp ấn triện như trường hợp của Võ Duy Dương và Nguyễn Hữu Huân) là phù hợp với logic của sự việc và đó là một thực tế. Chính vì thế, trong bài Hịch kêu gọi sĩ dân đánh Tây, Trương Định đã nói lên điều đó:
"... Chốn biên thùy lãnh ấn Tổng binh
Cờ đề chữ Bình Tây đại tướng"
Nguyễn Đình Chiểu trong bài Văn tế và một trong 12 bài thơ liên hoàn khóc Trương Định, sau khi ông hy sinh (20/8/1864), cũng có nhắc đến việc ấy:
"...Theo bụng dân, phải chịu tướng quân phù, gánh vác một vai khổn ngoại...". (Tướng quân phù là cái ấn của vị tướng)
(Văn tế Trương Định Nguyễn Đình Chiểu)
"... Ngọn cờ phấn nghĩa trời chưa bẻ
Cái ấn Bình Tây đất vội chôn"
(Thơ điếu Trương Định Nguyễn Đình Chiểu)
Đặc biệt, trong những bài hịch, những văn thư của Trương Định và trong của những biên nhận quyên góp lương, tiền của nhân dân đều ghi rõ tước vị Bình Tây Đại tướng quân và có đóng ấn hẳn hoi.
Lý giải về việc vua Tự Đức vừa ra lệnh cho Trương Định bãi binh, vừa ban Thánh chỉ, công nhận ông làm Bình Tây Đại tướng quân, theo nhiều nhà nghiên cứu đó là do chính sách hai mặt của triều đình Huế đối với các phong trào kháng Pháp ở Nam Bộ hồi nửa sau thế kỷ XIX. Các tác giả của quyển Võ Duy Dương với cuộc kháng chiến Đồng Tháp Mười, viết:"... về việc Tự Đức ngấm ngầm khuyến khích trợ giúp lực lượng kháng chiến trong vùng Pháp chiếm đóng là một công tác vô cùng phức tạp, diễn ra trong âm thầm bí mật, mặt khác bề ngoài triều đình phải chứng tỏ rằng đang thực hiện hòa ước 1862 để đánh tan sự ngờ vực đương nhiên phải có về phía thực dân Pháp". Tác giả người Nhật Yoshisharu Tsuboi trong quyển Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa cũng viết ". . .Tự Đức đã dốc toàn lực để tìm cách lấy lại đất đai đã bị chiếm. Vua bí mật khuyến khích các quan trong vùng bị Pháp chiếm nổi dậy và vua tìm cách thương lượng với Pháp để chuộc lại các tỉnh ấy". Nhà nghiên cứu Hải Ngọc trong luận văn Triều đình Tự Đức - khởi nghĩa Trương Định, khẳng định: "...Cuộc khởi nghĩa của Trương Định không bị đơn độc mà còn được triều đình và quan viên trong triều, ngoài nội, nhân dân xa gần hưởng ứng" Giáo sư Huỳnh Lứa với luận văn Mối quan hệ giữa Trương Định và triều đình Tự Đức cũng có ý kiến tương tự: "Thực tế cho thấy Trương Định rõ ràng vẫn còn gắn bó với triều đình" bởi vì "cho đến lúc này, tiếng nói và thái độ của triều đình vẫn còn có trọng lượng và tầm quan trọng lớn lao đối với phong trào kháng chiến".
Có điều đáng lưu ý là, Gò Công là quê ngoại của vua Tự Đức. Việc ngấm ngầm liên hệ với cuộc khởi nghĩa Trương Định của vua Tự Đức còn thể hiện qua cuộc hôn nhân giữa Trương Định và bà Trần Thị Sanh. Bà Sanh là con của ông Trần Văn Đồ và bà Phạm Thị Phụng. Bà Phụng là em út của ông Phạm Đăng Hưng (cha của Thái hậu Từ Dũ). Như vậy, về họ hàng, bà Trần Thị Sanh là em con cậu, con cô với bà Từ Dũ, đồng thời cũng là dì của vua Tự Đức. Bà Sanh cũng là một người rất giàu có. Quyển Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca của Nguyễn Liêng Phong cho biết:
"Gò Công bốn tổng đông giàu,
Mà riêng có một bà Hầu giàu to"
Bà Hầu chính là bà Sanh ở Gò Công (sau này dân gian gọi phần mộ của Bà Sanh là "Mả Bà Hầu"). Cuộc hôn nhân giữa Trương Định và bà Trần Thị Sanh, có lẽ diễn ra sau khi Trương Định tự xưng Bình Tây Đại tướng quân và được vua Tự Đức ban thánh chỉ công nhận hồi tháng 7/1862. Theo tư liệu truyền miệng của dòng họ Trần, do tác giả Nguyễn Tri Nha công bố trong luận văn Về mối quan hệ giữa Trương Định và bà Trần Thị Sanh thì cuộc hôn nhân này do sự sắp xếp của Thái hậu Từ Dũ , nhằm giúp Trương Định có thêm thanh thế và nguồn lực đánh giặc. Tư liệu dân gian ở Gò Công cho biết, bà Sanh đã ủng hộ tiền bạc, lương thực rất nhiều cho nghĩa quân Trương Định. Và đến lúc Trương Định anh dũng đền nợ nước, chính bà đã tổ chức lễ tang hết sức trọng thể và xây cất phần mộ tử tế cho ông. Bia mộ của Trương Định, theo tác giả Trương Ngọc Tường trong luận văn Trương Định và người vợ đất Gò Công, được bà Sanh cho chạm khắc dòng chữ "Đại Nam An Hà Lãnh binh kiêm Bình Tây Đại tướng quân, Trương Công húy Định chi mộ"
Cuộc khởi nghĩa Trương Định, cuối cùng bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu. Trương Định hi sinh anh dũng vừa khi ông tròn 44 tuổi. Song nghĩa khí Bình Tây Đại tướng quân vẫn tỏa sáng ngàn thu.
 Nguồn: http://www.tiengiang.gov.vn/xemtin.asp?cap=3&id=9943&idcha=1002

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét