Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

Cách mạng tháng Tám ở Huế với những học sinh trường Thanh niên tiền tuyến Huế

HUẾ XƯA VÀ NAY TRT - 27/08/2012
Ở Huế, hiện nay còn lưu dấu di tích một mái trường “đặc biệt”, có đóng góp rất lớn trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ quân sự cho Quân đội ta từ những ngày đầu cách mạng tháng 8/1945. Đó là Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế.
Trường chỉ tồn tại đúng hai tháng 2 tháng (16/6/1945 - 14/8/1945) và đào tạo đúng một khóa với 43 học viên.  Tuy bề ngoài là trường của chính phủ Trần Trọng Kim, nhưng bên trong là nơi đào tạo các cán bộ quân sự để phục vụ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Đảng ta. Học viên của trường đã đóng góp tích cực ngay từ phút mở màn của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền và bảo vệ chính quyền Cách mạng ở Thừa Thiên Huế. Dưới sự lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế. Như, Treo cờ đỏ sao vàng trên Kỳ đài Huế ngày 22/8/1945. Tổ chức bảo vệ trật tự cuộc mít tinh chào mừng khởi nghĩa thắng lợi, ra mắt Ủy ban Nhân dân Cách mạng Trung bộ và Ủy ban Nhân dân Cách mạng Thừa Thiên Huế, lễ thoái vị của vua Bảo Đại…

Ông Đặng Văn Việt, người đã treo ngọc cờ đỏ sao vàng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lên trên kỳ đài Huế thay cho lá cờ quẻ ly của nhà Nguyễn vào ngày 22/8/1945 năm nay đã bước sang tuổi 92. Mùa thu năm ấy, người học sinh của trường Thanh niên Tiền tuyến Huế vừa tròn 25 tuổi. Sớm giác ngộ cách mạng, tham gia tổ chức Việt Minh, Đặng Văn Việt đã vinh dự được đồng chí Trần Hữu Dực- Thường vụ Tỉnh ủy TT Huế giao nhiệm vụ treo lá cờ của cách mạng lên cột cờ trước cửa Ngọ Môn. Ông Đặng Văn Việt kể lại: “ Lúc đó tôi là một thanh niên nên khi nhận nhiệm vụ này thấy lòng phơi phới tự hào. Sau này chúng tôi nghe kể lại rằng khi chúng tôi treo cờ thì có mấy chục lính Hoàng gia đứng bên lầu Ngũ Phụng chĩa súng vào chúng tôi nhưng vua Bảo Đại ra lệnh không được bóp cò...”

Cách mạng tháng Tám thành công, các học viên của trường Thanh niên Tiền tuyến Huế cũng chấm dứt khóa học, theo tiếng gọi thiêng liêng của đất nước tham gia trên khắp các mặt trận. Họ đã đem kiến thức từ mái trường “đặc biệt” ấy phục vụ quân đội Cách mạng và trở thành những chỉ huy lừng danh trên các mặt trận trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Hai ông Phan Anh và Tạ Quang Bửu là người tổ chức chỉ đạo học sinh, hướng họ về với cách mạng, đã trở thành hai Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước ta. Còn các học viên đã có 8 người mang quân hàm cấp tướng, 10 người mang hàm đại tá...Người chiến sĩ kéo cờ mùa thu năm 1945 tại Huế sau dó đã trở thành một vị chỉ huy tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp.Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng: “ Hiện tượng Trường thành niên tiền tuyến Huế tham gia tổng khởi nghĩa ở Huế và sau này trở thành lớp sĩ quan đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam cho thấy Đảng cộng sản Việt Nam không chỉ lãnh đạo giai cấp công nông mà tập hợp được cả đội ngũ trí thức để làm cách mạng. Và đây cũng là một điểm đặc biệt của các cuộc cách mạng ở Huế khi đội ngũ trí thức là người đi đầu trong các cuộc đấu tranh cách mạng...”

Khi đặt chân lên kỳ đài Huế, người chiến sĩ cách mạng Đặng Văn Việt nói rằng ông thấy mình như được trẻ lại với tuổi đôi mươi cùng với khí thế sục sôi của cuộc cách mạng mấy mươi năm trước. Niềm tự hào của ông Đặng Văn Việt cũng là niềm tự hào của những cựu học sinh Trường thanh niên tiền tuyến Huế đã cống hiến trí tuệ và xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và cũng là niềm tự hào chung của những người dân Việt Nam yêu nước mỗi khi ngước nhìn  lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên kỳ đài Ngọ Môn - biểu tượng hào hùng của một dân tộc Việt Nam mãi trường tồn và kiêu hãnh.
Phi Tân


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét