Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

Người của Cách mạng Tháng Tám


Thứ năm 02/09/2010 07:00

Với tư cách Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, ông đã để lại dấu ấn trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ tháng 8.1945.
Người của Cách mạng Tháng Tám
Trong cuộc đời sắp tròn 100 tuổi ông đã làm được rất nhiều việc lớn. Nhưng có lẽ tên tuổi GS Trần Văn Giàu gắn chặt nhất với Cách mạng Tháng Tám. Ông đã đóng vai trò quan trọng tại lễ Độc lập ở Sài Gòn vào đúng ngày 2.9.1945 để hưởng ứng lễ Độc lập từ Ba Đình - Hà Nội.
Khởi nghĩa thí điểm ở quê hương
GS Trần Văn Giàu sinh ngày 6.9.1911 tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Sau khi tốt nghiệp trung học ở Sài Gòn, ông sang Pháp du học tại Đại học Toulouse. Tại đây, ông đã đến với chủ nghĩa Mác – Lênin và gia nhập Đảng Cộng sản Pháp. Do tham gia biểu tình trước dinh Tổng thống Pháp, đòi hủy án tử hình đối với các thủ lĩnh khởi nghĩa Yên Bái, ông bị bắt giam và trục xuất về nước.
Cuối năm 1930, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, rồi được cử đi học ở Trường Đại học Phương Đông (Liên Xô). Trở về nước hoạt động, ông bị Pháp bắt giam 7 năm. Ông cùng đồng đội vượt ngục Tà Lài về chuẩn bị cho khởi nghĩa tháng tám.
GS Trần Văn Giàu trong lễ mừng thọ năm 98 tuổi.  Ảnh: KỲ QUAN
GS Trần Văn Giàu trong lễ mừng thọ năm 98 tuổi. Ảnh: KỲ QUAN
Ngày 19.8.1945, khởi nghĩa giành chính quyền thành công ở Hà Nội. Ngày hôm sau, với tư cách Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, ông Trần Văn Giàu triệu tập hội nghị Xứ ủy mở rộng ở Chợ Đệm (nay thuộc huyện Bình Chánh - TPHCM). Hội nghị quyết định chọn tỉnh Tân An (nay là Long An, quê hương ông) khởi nghĩa thí điểm để rút kinh nghiệm phát động khởi nghĩa toàn Nam Kỳ. Cuộc khởi nghĩa ở Tân An đã thành công trọn vẹn, ba giờ chiều ngày 21.8.1945, cờ đỏ sao vàng bay rợp trời thị xã Tân An. Khởi nghĩa thành công ở Tân An đã phát đi tín hiệu cho khởi nghĩa ở Sài Gòn - Chợ Lớn và toàn bộ Nam Kỳ vào ngày 25.8.1945.
Lễ Độc lập ở Sài Gòn
GS Trần Văn Giàu nhớ lại: Ngày 31.8.1945, trung ương điện vào cho biết vào lúc 2 giờ chiều ngày 2.9, Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Ba Đình – Hà Nội. Ủy ban Hành chính lâm thời (UBHCLT) Nam Bộ do ông làm chủ tịch quyết định tổ chức lễ Độc lập ở Sài Gòn vào đúng thời điểm đó để nghe trực tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập truyền đi từ Hà Nội. Ngay từ trưa 2.9, hàng triệu người dân Sài Gòn và các tỉnh lân cận đã tập trung trên đại lộ Cộng Hoà (nay là đại lộ Lê Duẩn) để dự lễ. Cả Sài Gòn tràn ngập cờ đỏ.
Ông Giàu cho biết, do thời tiết quá xấu, mà thiết bị kỹ thuật lại lạc hậu, nên Sài Gòn không bắt được tín hiệu radio từ Hà Nội. Ban tổ chức liền phân công ông thay mặt UBHCLT Nam Bộ phát biểu trước đồng bào. Vừa bất ngờ vừa xúc động, ông ghi vội mấy ý chính rồi ứng khẩu bài diễn văn trước hàng triệu người. Ông kêu gọi nhân dân đoàn kết xung quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy tinh thần yêu nước, bảo vệ nền độc lập nước nhà.
Bài diễn văn có những đoạn: “Việt Nam từ một xứ thuộc địa đã trở thành một nước độc lập. Việt Nam từ một đế chế đã trở thành một nước cộng hòa... Kẻ địch toan tính một cuộc âm mưu gác lại ách nô lệ trên cổ 25 triệu đồng bào... Mừng thắng lợi, nhưng đồng bào chớ say sưa vì thắng lợi”. GS Trần Văn Giàu bồi hồi nhớ lại: Lính Pháp và tay sai đã hèn hạ từ trên các nhà lầu cao bắn lén xuống các đoàn tuần hành, làm 47 người chết và bị thương. Hơn 20 ngày sau, cả Nam Bộ bước vào cuộc kháng chiến mùa thu: “Mùa thu rồi, ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến...”.
Đã 65 năm kể từ ngày ông lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn Nam Bộ và ứng khẩu bài diễn văn nhớ đời trước hàng triệu đồng bào. Mùa thu này, ông sắp tròn 100 tuổi, dù phải nằm dưỡng bệnh ở Bệnh viện Thống Nhất, nhưng mắt ông luôn sáng lên khi nhắc về Cách mạng Tháng Tám!
Kỳ Quan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét