Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

Chính sách ngoại giao với phương Tây thời Minh Mạng


Đinh Thị Duyệt

Sau hai cuộc cách mạng tư sản và công nghiệp, chủ nghĩa thực dân phương Tây đã bành trướng ra toàn thế giới. Rất hiếm thấy một quốc gia châu Á nào còn giữ được nền độc lập thực sự trước làn sóng thực dân này. Xem xét chính sách ngoại giao và phương thức ứng xử đối với Công giáo thời Minh Mạng trong một bối cảnh lịch sử cụ thể, tác giả vạch ra sự phiến diện của quan điểm cho rằng chính sách ‘bế quan toả cảng’ của nhà Nguyễn là nguyên nhân mất nước thế kỷ XIX.
Lâu nay trong nhận thức lịch sử vẫn tồn tại quan điểm phê phán chính sách “bế quan toả cảng”, đóng cửa đất nước của triều Nguyễn đã dẫn tới bi kịch là Việt Nam bị mất độc lập. Tuy nhiên tới những năm gần đây, bằng các nghiên cứu sâu hơn trong chính sách ngoại giao của nhà Nguyễn đã cho thấy thực tế không hoàn toàn như vậy. Đặc biệt Đại Nam thời vua Minh Mạng, đất nước đã không hoàn toàn đóng cửa mà chỉ có thể coi là sự cảnh giác cần thiết trước những thay đổi của thời đại và chính Minh Mạng cũng rất nỗ lực để đưa đất nước của ông hoà chung nhịp điệu ấy, chỉ tiếc rằng ông không đủ thời gian cho kế hoạch dài hơi mà ông đã có ý định thực hiện từ rất sớm. Qua nguồn tư liệu từ chính sử nhà Nguyễn cho thấy suốt thời gian trị vì, Minh Mạng đã nghiên cứu và tìm hiểu kỹ phương Tây vừa để thực hiện cho chiến thuật phòng thủ chống lại phương Tây, vừa là một lựa chọn và rốt cuộc chấp nhận một đường lối mới với những cách nhìn và giải pháp mới. Tuy nhiên phái bộ đầu tiên tới châu Âu do ông cử đi đã không thể thực hiện được ý đồ của triều đình buộc phải quay về mà không được tiếp ở cấp cao tại Pari cũng như tại Luân Đôn(1. Khi đoàn sứ giả trở về nước thì vua Minh Mạng đã mất do ngã ngựa, vì vậy chúng ta không thể tìm hiểu được hồi kết của chính sách ngoại giao với người Tây dương dưới thời vua Minh Mạng, song không thể phủ nhận rằng nhận thức về phương Tây của ông đã đưa tới trạng thái ấm lạnh khác nhau ở từng thời kỳ nhưng cuối cùng là sự thay đổi lớn lao về mặt tư tưởng là chấp nhận thực tế và ông sẵn sàng mở rộng cánh cửa quốc gia để đón luồng gió mới, tuy nhiên thời gian đã không ủng hộ ông.
 Tiếp nhận vương triều kho bước vào tuổi 30 – ở độ tuổi mà nhận thức chính trị sắc bén nhất, đồng thời ở độ tuổi này đủ thời gian cho ông thay đổi quan điểm của mình trước những vấn đề lớn. Đất nước mà ông tiếp quản vừa trải qua một thế kỷ dài loạn lạc binh đao, gần 20 năm cầm quyền của vua Gia Long chưa thể quy tụ lòng người về một mối. Triều đình vẫn phải lựa chọn giải pháp phân quyền có điều kiện: trực trị miền Trung, gián trị miền Bắc và miền Nam qua việc lập Bắc thành tổng trấn và Gia Định thành tổng trấn. Tiếp nối vua cha Gia Long, ông vừa lao củng cố nội trị, phát triển kinh tế, giáo hoá thuần phong, vừa theo dõi và quan sát các nước trong khu vực, đề phòng mối hoạ từ bên ngoài, mặt khác Minh Mạng còn gánh thêm một nhiệm vụ, một nỗ lực xoá bỏ quuền lực địa phương khi nó trở thành một trở lực cho sự thống nhất lãnh thổ khi những ý đồ mang tính chất cát cứ, ly tâm muốn tách khỏi triều đình qua động thái của Lê Văn Duyệt, Nguyễn Thành Nhân mà ông được tiếp nhận (dù cho những thông tin tới tai ông có chính xác hay không) cũng khiến ông thận trọng và cảnh giác hơn với các cựu thần có công thiết lập vương triều. Để rồi từ đó có thể đi tới liên hệ hành động bài trừ công giáo của ông cũng chính là cách hạ bệ uy tín cá nhân của những người mà ông lo rằng sẽ lợi dụng lực lượng này để chiếm đoạt quyền lực. Nhãn quan chính trị của Minh Mạng bị chi phối mạnh mẽ bởi những sự kiện liên tiếp xảy ra với đất nước ông và các nước láng giềng khi thời kỳ Minh Mạng cầm quyền, các thế lực thực dân bắt đầu can thiệp vào Đông Nam Á theo những cách thức bạo lực hơn thì hiển nhiên bằng tất cả khả năng có thể, ông cố gắng nâng cao khả năng phòng vệ cho đất nước của mình là lựa chọn số một.
 Thái độ của Minh Mạng với Kitô giáo và nguyên nhân
Chắc hẳn Minh Mạng không thể quên người giúp đỡ, đồng thời là cố vấn thân cận của cha ông cũng chính là một giáo sĩ truyền đạo. Và chính vị giáo sĩ này đã mang tới bản hiệp ước giữa Nguyễn Ánh với triều đình Pháp mà nếu nhìn lại nội dung của bản hiệp ước này, người ta sẽ không thể vô tư khi xem hoạt động giáo sĩ chỉ là sự truyền đạo thông thường(2). Từ Bá-đa-lộc, Nguyễn Ánh đã hi vọng nhận được sự viện trợ về mặt vật chất, nhân lực, và những viện trợ quân sự từ chính phủ Pháp để đánh lại nghĩa quân Tây Sơn mà trong con mắt của người Pháp đó là những kẻ tiếm quyền. Trong khi đó, Pigneau lại hi vọng sẽ nhận được sự bảo trợ của hoàng đế cho những hoạt động truyền giáo của ông. Chắc hẳn điều này sớm được đặt ra trong những bàn luận của quan lại triều đình Huế và nó cũng tác động tới nhận thức của Minh Mạng khi ông bước vào tuổi trưởng thành đưa tới sự ác cảm của ông với Kitô giáo. Ngay cả trước khi Minh Mạng lên ngôi hoàng đế thì lối ứng xử của ông với các tín đồ Kitô giáo đã dẫn tới sự lo lắng của cộng đồng giáo dân khi ông lên nắm quyền. Đầu năm 1820, người ta đã quan sát thấy: với các tín đồ Kitô giáo và người ngoại quốc, người ta lo ngại rằng chính sách trục xuất khỏi vương quốc hoặc tiêu diệt họ sẽ được ban hành vì ông ta (Minh Mạng) là kẻ thù không đội trời chung của cả hai loại người kể trên(3.
Tuy nhiên, trong quá khứ không phải ông là người đầu tiên thi hành biện pháp cứng rắn với tôn giáo này và cũng không phải ngay khi cầm quyền, ông đã thi hành ngay biện pháp đuổi giáo sĩ và giết hại giáo dân. Sự hà khắc trong chính sách của triều đình Huế đối với Kitô giáo và giáo sĩ chỉ thực sự bắt đầu từ năm 1833. Cũng nên nhìn nhận rằng chính sách cấm đạo của vua Minh Mạng hoàn toàn nhắm vào mục đích duy trì trật tự xã hội mà nhà vua tin rằng là bị đe bởi những du hặc của đạo Gia tô(4). Nhất là khi những cuộc khởi nghĩa hay âm mưu lật đổ ông bị phát hiện đều có sự tham gia của lực lượng giáo dân và sự ủng hộ của giáo sĩ nước ngoài như cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi, hay hành động lôi kéo giáo dân và giáo sĩ trong âm mưu lật đổ ngai vàng của người cháu gọi ông bằng chú ruột. Vì vậy không nên nhìn nhận chính sách tôn giáo của triều Nguyễn như một biểu hiện của “bế quan toả cảng”. Sự ác cảm của Minh Mạng đối với Kitô giáo còn là do những thông tin sai lệch từ những cận thần mang tới cho ông: Tả phó đô ngự sử viện Đô sát Phan Bá Đạt tâu rằng: “…Mã Song khai rằng thầy thuốc nước hắn, nhân người sắp chết, khoét lấy con mắt, phơi khô, hợp với hai vị a nguỵ và nhữ hương, tán nhỏ chế thuốc, trị bệnh ho đờm. Lại tục truyền rằng tà giáo Tây dương thường khoét mắt người, và cho một trai, một gái, ở chung nhà có tường ngăn cách, lâu ngày động dục tình, nhân đấy đập cho chết bẹp, lấy nước (xác chết đó) hoà làm bánh thánh, mỗi khi giảng đạo cho mọi người ăn, khiến cho mê đạo không bỏ được. Cả đến người theo đạo, khi trai, gái, lấy vợ chồng, thì đạo trưởng đem người con gái vào nhà kín, với danh nghĩa là giảng đạo, thực là để dâm ô”(5). Điều này mang tới mối lo ngại thực sự cho nhà vua bởi theo nhãn quan Nho giáo của ông thì đó đều là những điều cấm kỵ, phạm vào thuần phong mỹ tục – nền tảng đạo đức cơ bản mà ông muốn dựa vào để giáo hoá dân chúng.
Dưới thời vua Gia Long, do mối quan hệ thân thiết trước đây với những giáo sĩ người Pháp mà tình cảm của nhà vua với hệ tư tưởng mới này khá cởi mở. Tuy nhiên vì một bê bối chính trị nào đó(6), vua Gia Long cũng dần dần lạnh nhạt với các cố vấn người Pháp dù vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ nhưng sự bành trướng của người dân châu Âu ở Đông Nam Á khiến vua Gia Long thêm e ngại, nhất là khi người Anh chiếm Tân Gia Ba. Nhà vua thấy cần phải giao hảo với người phương Tây nhưng không thể biệt đãi một quốc gia đặc biệt nào(7). Hẳn nhiên những thay đổi trong ứng xử của vua cha với những người bạn cũ sẽ tác động mạnh mẽ tới vị thái tử thứ 4 khi lên nắm quyền, ở đúng thời điểm các quốc gia phương Tây cố gắng thương lượng với Đại Nam để tìm đạt những đặc quyền chính trị và thương mại, những mưu toan và mục đích của họ làm cho triều Nguyễn vô cùng lo ngại.
Bản thân Minh Mạng cũng cảnh giác cao ảnh hưởng cảu đạo Công giáo bởi ông nhận thấy các nước châu Á (đáng chú ý là Ấn Độ và nhiều nước Đông Nam Á) từng mở cửa quan hệ với các liệt cường phương Tây đều bị biến thành thuộc địa: Trong khi đó các nước Nho học khác triệt để ngăn cấm Kitô giáo vẫn được an toàn như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản. Từ những phái viên được cử tới Trung Quốc, chắc chắn Minh Mạng biết điều gì xảy ra với các tín đồ Kitô giáo ở những quốc gia này và có thể ông cố gắng theo gương họ(8).
Sự thay đổi trong chính sách ngoại giao với phương Tây
Không thể phủ nhận sự ác cảm của Minh Mạng với Kitô giáo là rào cản, trở ngại trong giao thiệp của ông với các nước phương Tây. Tuy nhiên điều đó không thể ngăn cản ông tìm hiểu hay nghi ngờ mọi thứ đến từ nước ngoài, bản thân ông là một người yêu thích địa lý, lịch sử, kỹ thuật và phát minh khoa học phương Tây. Tự ông đã mày mò tìm hiểu cách sử dụng “cái ống nhòm” do người Tây dương tặng và không tiếc lời khen là tuyệt diệu(9). Dù cho chưa có chính sách thúc đẩy quan hệ giao thương nhưng sự giao thiệp với các nước phương Tây thông qua quan hệ buôn bán vẫn diễn ra chính thức với tư cách triều đình. Năm Minh Mạng thứ 2 (1821), có người Phú Lãng Sa dâng quốc thư và sản vật địa phương cùng đến với Thắng, đậu thuyền ở Đà Nẵng. Đem thư dịch là xin thông thương. Vua giao đìh thần bàn, rồi hạ lệnh cho ty Thương bạc đưa thư trả lời nhận cho, và biếu nhiều phẩm vật(10). Trong chính sử còn ghi nhận viên quan Bộ Hộ là Lê Công Tường phụng mệnh triều đình đi bán đường cát cho người Pháp ở cửa biển Đà Nẵng, nhẹ dạ ăn của đút sau bị cắt chức phải phát đi hiệu lực(11). Đầu thời Minh Mạng (1820), đã có thương nhân Hoa Kỳ đến giao thương ở Gia Định: “Thành Gia Định dâng chim hạc đen và lợn vàng nước Ma Ly Căn”(12).
Tuy nhiên, khi thương nhân người Anh đến không mang theo quốc thư của triều đình là không đủ tư cách nên bị từ chối bởi không hợp theo luật lệ của nước Đại Nam, nhân đó nhà vua sai hữu ty bàn định điều lệ về việc các nước đến buôn, trong đó không phân biệt thuyền buôn đến từ các nươc trong khu vực hay đến từ Tây dương đều tuân theo quy định chung(13). Thái độ của Minh Mạng khá ôn hoà khi tuyên bố tất cả các quốc gia đều được tự do mậu dịch với điều kiện phải tôn trọng luật lệ Đại Nam. Tình hình của các quốc gia láng giềng cũng tác động mạnh mẽ tới thái độ của nhà vua đối với người Tây dương, đặc biệt là người Anh. Nhân sứ giả nước Xiêm tới, vua Minh Mạng có buổi bàn luận về cuộc chiến tranh Anh – Miến Điện với phái đoàn Xiêm “Nước Xiêm và nước Miến Điện có thù với nhau đời đời, nay nước Miến Điện bị người Hồng Mao đánh, người Xiêm có hả lòng không?” Sứ giả trả lời “Có”. Vua cười nói rằng “Nước Xiêm có nước Miến Điện như nhà có phên giậu, nếu Hồng Mao đánh mà lấy được, thì thế rồi tất đến nước Xiêm. Người mưu việc nước Xiêm nên lo chứ chẳng nên vui”. Theo nhà vua người Xiêm nên lo vì sau đó nước Xiêm sẽ lâm vào tình thế nguy hiểm hơn bởi láng giềng của họ sẽ là một nước phương Tây hùng mạnh(14). Dù mang trong lòng nỗi lo về sự xâm nhập của phương Tây ta còn thấy nhà vua có ứng xử khá tế nhị, tánh làm mất lòng hoặc chí ít là khong cho người Anh hay người Pháp có “duyên cớ” để can thiệp vào công việc nội bộ. Sự thật là Minh Mạng e ngại rằng nếu nhường cho người Pháp một vài đặc quyền thương mại thì người Anh cũng sẽ đòi hỏi, điều đó còn cho thấy sự khôn khéo, thận trọng tỏng quan hệ bang giao với các nước Tây dương của nhà vua: “Năm trước nước Anh Cát Lợi nhiều lần dâng lễ, trẫm đều từ chối không nhận, nay chẳng lẽ lại cho Phú Lãng Sa thông hiếu”(15).
Sự thận trọng trong quan hệ giao thương với người phương Tây là có căn cứ kho sự nhòm ngó ngày càng lộ liễu. Binh thuyền nước Phú Lãng Sa đến đậu ở cửa biển Đà Nẵng muốn xin thông hiếu song lại đưa hung tin về việc người Anh muốn xâm chiếm Quảng Đông và nhắn nhủ triều đình Huế đừng giúp Quảng Đông, bên cạnh đó cảnh giác triều đình Huế về mối hệ luỵ này, rồi lấy cớ khảo sát khoa học lên núi Tam Thai xem xét, đòi vẽ địa đồ Bắc Thành. Tiếp nhận thông tin của người Pháp, nhà vua cả cười mà rằng: “Nước ấy muốn mượn việc đó làm ơn với ta để mong đạt kế muốn giao hiếu đó thôi. Nước Hồng Mao xâm lấn nước Thanh có can hệ gì đến ta!” Tuy nhiên người ta lại thấy ngược lại, thông tin từ các nước láng giềng là mối quan tâm đặc biệt của nhà vua. Năm Minh Mạng thứ 7 (1826), khi sứ giả Xiêm  vào kinh yết kiến, nhà vua lại một lần nữa bàn bạc với sứ giả về chiến tranh giữa Anh và Miến Điện. Sau lại mở địa đồ trỏ bảo bầy tôi rằng “Trẫm nghe nói nước Xiêm La cùng nước Hồng Mao có hiềm khích, chợt có dùng binh thì Hà Tiên là chỗ hai nước xung đột nhau, ta nên tính toán ra sao để phòng việc không ngờ”(16). Một cách gián tiếp, triều đình Huế đã thể hiện mối lo ngại của mình trước các thế lực Tây dương bằng hành động mang tính thăm dò những cơ sở mà người phương Tây đặt trong khu vực. Năm Minh Mạng thứ 4 (1823), nhà vua sai Cai cơ Ngô Văn Trung và Tuần hải đô dinh Hoàng Trung Đồng đi Hạ Châu, vua dụ rằng: “Chuyến đi này không phải để mua hàng hoá, chính là muốn biết núi sông, phong tục, nhân vật của nước ngoài. Bọn ngươi đến nơi phải xem kỹ la bàn, ghi chép rõ ràng cho biết phương hướng”. Động thái thăm dò phương Tây của triều đình Huế cũng được người nước ngoài nhìn nhận: “Ngoài việc thực hiện những thương vụ cho nhà vua, các phái viên đi sứ còn làm nhiệm vụ điều tra những cơ sở phương Tây trong vùng. Năm 1825, vua đã gửi hai đội vũ trang và một đoàn quan lại tới vùng Singapour để mua hàng len và hàng thuỷ tinh. Sau mới phát hiện là những viên quan này cũng tới để tường trình những điều kiện và quan điểm của những thuộc địa châu Âu ở eo Malacca”(17). Nguỵ trang dưới mục đích mua hàng hoá và vũ khí, Minh Mạng đã phái nhiều đoàn sứ giả đến các nước trong khu vực Đông Nam Á, Nam Á, đặc biệt là Đông Nam Á hải đảo để tìm hiểu những hoạt động của người phương Tây ở cơ sở của họ. Theo thống kê của Giáo sư Chen Ching-ho, từ năm 1778 đến năm 1847, không kể 18 cuộc đi sứ không có cứ liệu chính xác, ông đã liệt kê có tới 11 cuộc tới Batavia, 6 cuộc tại Singapour, hai cuộc xuống vùng Tiều tây dương, 2 lần tới Penang, 2 lần tới Semarang, 2 lần đến Luzon, 1 lần đến Joho và 1 lần đến Malacca. Không tính những cuộc đi sứ mà cứ liệu chưa chính xác thì trong tổng số 29 chuyến đi xuống vùng Hạ Châu thì có tới 18 chuyến đi được thực hiện dưới thời vua Minh Mạng. Một mật độ cao hơn hẳn cho thấy sự quan tâm của nhà vua tới vùng biển này, nơi mà người phương Tây đã xác lập được căn cứ từ lâu.
Có lẽ những báo cáo của phái viên đi sứ ít nhiều đã làm thay đổi chính sách ngoại giao của triều đình Huế, dù vẫn cẩn trọng từ chối ký kết những hiệp ước thương mại chính thức với các quốc gia phương Tây nhưng Minh Mạng lại không ngăn cản các thương gia đên buôn bán ở Việt Nam. Năm 1825, nhà vua còn cho gửi thư hỏi vị khâm sứ Anh ở Tân Gia Ba tại sao các thương nhân Anh lại không tới buôn bán tại các thương khẩu Việt Nam. Ngoài ra trong ghi chép của những phái viên đi sứ cũng hé cho chúng ta biết nhiệm vụ quan trọng mà triều đình Huế giao phó cho họ. Tiêu biểu nhất là ghi chép của Phan Huy Chú trong Hải trình chí lược khi Phan tự nhận việc ghi lại về sự trạng của người Man Di ở các đảo xa, tình hình người vật các xứ lạ như góp phần nhỏ cho việc “quan phong”(18) của Thánh triều. Rất có thể việc ghi lại Hải trình chí lược là yêu cầu của Minh Mạng đối với phái viên Phan Huy Chú bởi trong lời dẫn, Phan gián tiếp ám chỉ điều này. Sách làm xong vào tháng 5 (Âm lịch) năm Minh Mạng thứ 14 (1833) thì tháng 9 năm ấy Phan lại được khôi phục chức vụ Tư vụ ngạch ngoại giao bộ Công, chứng tỏ Minh Mạng đánh giá cao việc làm của phái bộ trong chuyến công cán tới Hạ Châu năm trước. Trong những ghi chép của Phan Huy Chú, Lý Văn Phức hay Cao Bá Quát là những bản được biết đến nhiều nhất, người ta thấy rằng những sứ giả Việt Nam tỏ ra không quan tâm nhiều lắm tới cư dân bản xứ mà chú ý nhiều hơn tới những hoạt động kinh tế, hệ thống hành chính, tổ chức quân sự và sự cạnh tranh của người Tây dương cùng kỹ nghệ hiện đại của họ. “Hồng Mao ở cách Đại Tây Dương đi thuyền mất hơn 5 tháng. Chỉ vì tàu thuyền của họ vũ khí sắc bén, nên họ có thể vượt biển khơi mà cướp đảo xa, chiếm lấy mà thống trị. Mấy trăm năm nay người Đồ Bà bèn trở thành tôi đòi của họ, phải chia nhau vào ở nơi rừng núi, chịu nộp thuế lệ. Tuy có lúc muốn chống lại người Hồng Mao nhưng sức không làm nổi, đành để cho họ trói buộc mà chịu sai khiến”(19). Qua đó Phan Huy Chú đã chỉ ra nguyên nhân mất nước không thể cưỡng lại của người Đồ Bà trước sự báo cáo của những đoàn đi sứ xuống vùng Hạ Châu mà Minh Mạng đã nhanh chóng đốc thúc việc đóng tàu thuyền theo kỹ nghệ phương Tây, và thành công đầu tiên đến vào năm 1839.
 Về thủ tục hải quan của Riau, ghi chép của Phan Huy Chú cho ta thấy sự gọ nhẹ và thái độ không chút e dè khi tiếp đón những đoàn thuyền từ xứ khác tới ở những trụ sở do người Tây dương quản lý: “Khi thuyền mới đến thì đã thấy một chiếc thuyền tuần tra treo cờ trắng đi tới. Có 5 người lính tới hỏi xem thuyền khách có bao nhiêu người, đi hướng nào. Họ biên chép rồi đi ngay”. Tường trình này có đưa tới sự so sánh để rồi thay đổi thủ tục hải quan mà triều đình Minh Mạng tiến hành đối với các thuyền buôn đến từ nước ngoài hay không? Song ta thấy rằng tới những năm cuối triều Minh Mạng, các sứ thần Tây dương đến Việt Nam được tiếp đón cởi mở và thân thiện hơn. Mục lục châu bản triều Nguyễn năm Minh Mạng thứ 19 còn ghi lại chi tiết cảnh giao thương diễn ra dưới thuyền của người Anh trong không khí tôn trọng, nhiệt thành: “Võ Văn Giải, Lý Văn Phức tâu: “Tối ngày mùng 6 này, phụng dụ tới Đà Nẵng để tiếp chuyện với người Anh Cát Lợi tới Đà Nẵng hôm trước. Lúc tới tàu thì chủ tàu là Yết Giả chào mừng vui vẻ mời ngồi nói chuyện và xem hàng hoá, lựa mua một vài hàng tốt để đem về dâng. Hai bên đều tỏ ý nhã nhặn có lễ độ cho mời người dưới thuyền lên bờ mua đồ cần dùng”. Trong khi trước đó thủ tục hải quan của triều đình Huế khá chặt chẽ với nhiều công đoạn, thông thường tàu thuyền các nước đến cảng Đà Nẵng. sau khi thông báo có quốc thư và lễ vật xin đệ trình lên nhà vua với các quan sở tại, tàu thuyền của họ sẽ được cập cảng, hiển nhiên phải bị khám xét, sau đó được cử lên bờ có sự giám sát của quan binh địa phương mua những nhu yếu phẩm cần thiết như thực phẩm, nước uống, than củi… Và tất cả ở lại trên tàu chờ quan địa phương viết báo cáo về kinh xin chỉ thị của nhà vua. Thời gian mà họ phải đợi tính từ khi tàu cập cảng có thể là 10 hoặc 15 ngày(20).
Kết luận
Thế kỷ XIX là thời kỳ chuyển hướng lịch sử không chỉ với Việt Nam mà cũng là tình hình chung của nhiều nước phương Đông khi các thế lực thực dân đã can thiệp vào khu vực một cách trực tiếp hơn. Lúc bấy giờ, các nước phưong Tây đã tiến hành xong hai cuộc đại cách mạng là cách mạng tư sản và cách mạng công nghiệp, chủ nghĩa tư bản cũng dần chuyển từ giai đoạn tự do cạnh tranh sang giai đoạn đế quốc thì phương Đông nói chung, trong đó có Việt Nam vẫn ở thời kỳ phong kiến. Nhà Nguyễn được dựng lên trong bối cảnh đất nước trải qua một thời kỳ chia cắt kéo dài, sự thống nhất về lãnh thổ và chủ quyền mới chỉ đạt được tương đối, Minh Mạng phải gánh vác nhiệm vụ đưa đất nước của ông bước qua giai đoạn khủng hoảng song những biến đổi khôn lường của tình hình khu vực đã buộc ông phải lựa chọn một thái độ thận trọng, đôi khi là cảnh giác cao. Dưới thời vua Minh Mạng, quy định về việc cho tàu thuyền phương Tây chỉ được đậu ở cửa biển Đà Nẵng được thực hiện chặt chẽ nhất. Đạo dụ năm 1835 thể hiện thái độ kiên quyết của nhà vua: “…Tàu Tây đậu tại cửa Hàn, còn các cửa biển khác không được vào, phép nước rất nghiêm, chẳng nên làm trái… Từ nay người Tàu phải đi tàu buôn nước Tàu, mới cho vào cửa biển buôn bán, người Tây phải đi tàu nước Tây vào cửa Hán, không được ghé vào cửa khác, có lỗi”(21). Chỉ cho phép tàu nước Tây được đậu tại cửa biển Đà Nẵng còn là mục đích tránh sự nhòm ngó bởi cửa biển này cách kinh đô Huế 100km, một khoảng cách có thể coi là an toàn.
Có thể thấy chính sách đối ngoại cảu Minh Mạng đối với các nước phương Tây khá mềm dẻo, tế nhị bằng một nỗ lực cao nhất tránh làm mất lòng các nước thái cường cùng ý định tìm hiểu để rồi cố gắng đưa đất nước tiến gần hơn phương Tây theo cách của ông mà vẫn giữ được những nền tảng đạo đức cơ bản. Tuy nhiên cuộc chiến tranh nha phiến năm 1839 bùng nổ với sự can thiệp bằng vũ lực của người Anh ở Quảng Châu càng khiến vua Minh Mạng ý thức được nguy cơ mà Việt Nam phải đương đầu trước sự bành trướng của chủ nghĩa thực dân: Một mặt nhà vua cho phòng vệ những nơi hiểm yếu trên bờ biển Đại Nam, đặt thêm pháo đài ở Hải Phòng, xây thêm pháo đài ở cửa biển Thị Nại, chia lính thú tuần phòng ở đảo Côn Lôn, đảo Phú Quốc. Mặt khác, chính Minh Mạng trên cơ sở thăm dò thái độ của các cường quốc châu Âu đã sửa đổi chính sách ngoại giao. Năm 1840, nhà vua cho người di Penang rồi sang Calcutta xem người Anh dự bị chiến sự Trung Hoa thế nào, cho tàu sang Djakara xem người Hoà Lan toan tính ra sao. Trong châu bản triều Minh Mệnh còn ghi lại khi thị lang Võ Đức Khuê điều trần về việc thông thương, có đề nghị không nên để thuyền ngoại quốc tới Đại Nam, và không nên để người Đại Nam tới ngoại quốc vì sợ người ngoại quốc tới thì việc nước sẽ bị khuy du như nhà Thanh để người Anh tới mà Trung Hoa rối loạn. Vua Minh Mạng cho bản điều trần ấy là bất thông “lời nói không ý thức, không thi hành được”(22).
Trong văn hoá đầu thế kỷ XIX, sự xâm nhập của phưong Tây sang phương Đông véctơ lực không thể cưỡng lại thì Minh Mạng vẫn là con người của truyền thống, thế nên sự “chấp nhận” phương Tây của ông cũng trên tâm trạng vừa e dè, vừa cởi mở lại đan xen tam lý bất ổn vừa ngưỡng mộ, vừa xem thường với một nỗ lực muốn thoát khỏi nhưng bị chi phối bới nhận thức về sức mạnh không thể cưỡng chế trước ưu thế kỹ thuật phương Tây. Đó chính là thách thức trong việc lựa chọn lối ứng xử trước một xu thế mới. Tuy vậy xuyên suốt trong chính sách ngoại giao với người Tây dương dưới thời vua Minh Mạng vẫn toát lên sự mềm dẻo, tính thích nghi với những điều kiện mới và hoàn cảnh mới. Lịch sử không thể đặt ra những chữ “nếu”, vì vậy chúng ta không thể biết được nỗ lực tiếp theo của ông như thế nào trong ý định hoá giải phương Tây kho ông đã nhận ra rằng ông không thể không mở cửa đất nước của mình.

CHÚ THÍCH:
1. Xem Lê Thành Khôi, Le Viet Nam, Histoire et civili-sation, 1955, tr.370.
2. Nhà vua Nam Hà và hội đồng nhà nước sẽ nhường vĩnh viễn cho hoàng đế Cơ đốc, những người thừa kế và nối ngôi sau này cảng biển và lãnh thổ Han – san (vịnh Tu – ron và bán đảo) và những đảo lân cận từ Faifo phía Nam và Hai wen phía Bắc. Mọi tôn giáo và tín ngưỡng đều được tự do.
3. John White, A Voyage to Cochin China, tr.267.
4. Nguyễn Thế Anh, Kinh tế xã hội Việt Nam dưới thời các vua triều Nguyễn, Nxb Văn học, H.2008.
5. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, t.4, Nxb Giáo dục, H.2007,tr.837.
6. Mặc dù bề ngoài ông không có biểu hiện thay đổi nào trong cách đối xử của ông với những sĩ quan Pháp phục vụ mình, tuy nhiên người ta cho rằng tính cách người Pháp đã làm tổn thương lớn đến lòng quý trọng của ông từ khi ông được biết về cách đối xử bất nhân và mang tính xúc phạm mà gia đình bất hạnh của nhà vua phải chịu đựng bởi đám người hèn hạ, dã man và vô đạo đó. Dẫn theo J. Barrow, Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà năm 1792-1793, Nxb TG, H.2008, Nguyễn Thừa Hỷ dịch.
7. Nguyễn Thế Anh, Sdd, tr.229.
8. Choi Byung Wook, Vùng đất Nam bộ dưới triều Minh Mạng, Nxb TG, H.2011, tr.111.
9. Đại Nam thực lục, t.2, tr. 628.
10. Nt, tr.131.
11. Nt, tr.17.
12. Nt, tr.63.
13. Nt, tr.226.
14. Nt, tr.372.
15. Nt, tr.388.
16. Nt, tr.522.
17. Xem Wong Lin Ken, 1960, tr.155-156.
18. Quan phong là quan sát phong tục, thời cổ vua Trung Quốc cử người ghi chép phong tục của các nước để phân biệt cái hay, cái dở.
19. Phan Huy Chú, Hải trình chí lược, bản dịch của Phan Huy Lê, Tạ Trọng Hiệp, tr.151-152.
20. Taboulet, Georges, La Geste francaise en Indochine, dẫn theo Võ Văn Dật,Lịch sử Đà Nẵng 1306-1950, 1974, tr.136.
21. Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều chính biên toát yếu, Nxb Thuận Hoá, Huế, 1998, tr.198.
22. Châu bản triều Minh Mạng, tập 79, tờ 90-92.
Nguồn: TẠP CHÍ XƯA VÀ NAY SỐ 387 (THÁNG 9-2011)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét