Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

Nguyễn Ái Quốc với quốc tế cộng sản


TẠP CHÍ SÔNG HƯƠNG - SỐ 139 (THÁNG 9)
Nguyễn Ái Quốc với quốc tế cộng sản
11:40 | 18/05/2010
SƠN TÙNGTôi đến sứ quán Việt Nam ở đợi vé máy bay về Bắc Kinh. Phu nhân đại biện lâm thời Tôn Quang Đẩu là bà Hải Ninh phụ trách lưu học sinh sinh viên Việt Nam tại Liên Xô, tôi là đại biểu sinh viên thuộc sự quản lý của bà khi lưu lại Mátxcơva. Cho nên được bà Hải Ninh giúp đỡ tôi như chị gái săn sóc em vậy.
Nguyễn Ái Quốc với quốc tế cộng sản
Nguyễn Ái Quốc tại ĐH lần XVIII của Đảng Xã hội Pháp ở Tua - Ảnh: cuocsongviet.com.vn
Nhờ vậy tôi được thuận lợi để tiếp tục ghi những điều mẹ Vêra kể:

... Cuối tháng 8 năm 1927 mẹ đến Crưm tiễn Anh Nguyễn Ái Quốc đi Pháp. Trước ngày mẹ tới, các đồng chí Manuinxki, Biu và một đồng chí ở Bộ phương Đông cũng đã tới tiễn biệt Anh Nguyễn. Mẹ đến tiễn chân nhưng cũng không được có mặt lúc Anh Nguyễn lên đường! Vì nguyên tắc giữ bí mật. Mẹ nhận thấy Anh Nguyễn như phán đoán được những điều gì sẽ xẩy đến với mình, vào lúc nào để lượng định mà chủ động với nó. Hôm Anh Nguyễn mới ở Quảng Châu trở về đây (Nga), mẹ gợi vấn đề với Anh Nguyễn là Đại hội V anh đã được “đặc cách” là đại biểu chính thức, nhưng Anh chỉ nhận làm đại biểu “bán chính thức” để được góp phần hết khả năng của mình với Đại hội. Lần Đại hội VI này dù Đảng cộng sản Pháp không bầu, Bộ phương Đông không cử Anh là đại biểu chính thức nhưng anh đang ở Mátxcơva, lẽ nào Ban bí thư không mời Anh tham dự như Đại hội V? Anh cứ để tôi đánh tiếng trước với đồng chí Manuinxki và đồng chí Biu, Anh Nguyễn cười nhẹ tênh vẫn một giọng nói ấm: Vêra ơi! Vêra là một chiến sĩ quốc tế, tâm hồn Vêra đầy ắp lãng mạn mộng mơ chất Natasa của cụ Lép Tônxtôi, Vêra nhớ cho, Đại hội V diễn ra lúc Lênin vừa tạ thế... Đại hội VI không còn hơi ấm của Lênin. Tôi tự biết chuyến đi sang các nước Tây Âu để lần lần về gần Tổ quốc tôi đầy gian khổ và hiểm nguy nhưng còn hơn là sự có mặt mình tại Đại hội VI... Bà Vêra buồn buồn: - Từ ấy bặt tin Nguyễn Ái Quốc. Trong đại hội VI những quan điểm của Nguyễn Ái Quốc về dân tộc và thuộc địa bị phê phán dữ dội. Kết luận Nguyễn Ái Quốc chỉ là người yêu nước nhiệt tình không phải cách mạng vô sản mà là “Cách mạng nửa vời” một thứ cách mạng trộn lẫn cách mạng Mỹ (1776), cách mạng Pháp (1789) với cách mạng Nga (1917) thành một cục! Thể hiện ở sách “Đường cách mệnh” và ở “Hội thanh niên cách mạng đồng chí”.Một số đại biểu còn lên án Nguyễn Ái Quốc xét lại chủ nghĩa Mác, đòi bổ sung học thuyết Mác như: “...Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu Mác ở thời mình không thể có được”... Lại nữa: “... Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu, mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn nhân loại”. Rồi: “Mác cho ta biết rằng sự tiến triển các xã hội trải qua ba giai đoạn: chế độ nô lệ, chế độ nông nô, chế độ tư bản, và trong mỗi giai đoạn ấy, đấu tranh giai cấp có khác nhau. Chúng ta hãy coi chừng! Các dân tộc Viễn Đông có trải qua hai giai đoạn đầu không?” (1). Đồng chí Xtalin tỏ vẻ khó chịu nhất là vấn đề này! Nhưng cũng phải thấy rằng, các đại biểu trong Đại hội này không thừa nhận quan điểm của Nguyễn có phần nào coi thường đại biểu nước nhỏ, nhưng ai cũng công nhận Nguyễn có bộ óc lớn và táo bạo công khai quan điểm của mình. Mẹ khẳng định với con rằng, chỉ có bị cô đơn về quan điểm nhưng Nguyễn Ái Quốc có sức hấp dẫn lớn cho nên Anh Nguyễn không bao giờ cô đơn. Bà Vêra có tiếng thở dài não ruột giông giống tiếng thở dài chị Bác Hồ, bà Nguyễn Thị Thanh mà tôi được may mắn gần gũi từ những năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Sau tiếng thở dài bà Vera lại thủ thỉ kể - Anh Nguyễn sang Pháp công tác đã phải đối phó với mạng lưới mật thám săn đuổi. Anh Nguyễn phải sang Ý trú chân rồi sang Bruxelles (Bỉ). Tại nơi đây anh Nguyễn gặp những người bạn cũ như Hăngri Bacbuýt... và cùng dự họp Đại hội đồng của Liên đoàn chống đế quốc (Grand conseil général de la ligue anti impérialistes). Anh lại lang thang hết nước Ý, Thụy Sĩ, Đức... chờ đợi chỉ thị của Quốc tế cộng sản. Mẹ nhận được một lần thư của Anh Nguyễn. Anh sẽ trở về phương Đông. Không bằng phương tiện và kinh phí của Bộ phương Đông hay của Ban bí thư mà tự tìm đường về gần với Tổ quốc, tự lo liệu bằng hai bàn tay mà sống mà chiến đấu. Bởi vì Nguyễn đợi chờ đã quá lâu mà chưa có một Ban nào, một đồng chí nào gửi đáp một lời?... Như vậy là, hơn hai năm Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu không một lần nào Nguyễn được Bộ phương Đông trợ cấp kinh phí hoạt động! Nay Nguyễn lại hơn một năm lang thang trên các nước Tây Âu lại không được cấp kinh phí công tác, không giao việc gì ra việc gì... Nguyễn lặn lội về Đông bộ nước Xiêm La (Le Siam) vào mùa thu năm 1928... 

Anh Nguyễn rất yêu hoa. Những lần Anh Nguyễn ở Mátxcơva, buổi sáng sớm lúc hoàng hôn Anh Nguyễn đều tha thẩn với cây với hoa trong vườn tại khu nhà mình ở. Mỗi lần đến thăm Anh Nguyễn mẹ đều đem theo hoa cắm lọ đặt trên bàn cho anh Nguyễn. Lần mẹ đến Crưm thăm Anh Nguyễn mẹ thấy một lọ hoa sen trắng trên bàn và một phong thư, trên bì đề chữ Tàu. Mẹ hỏi Anh Nguyễn: Ba chữ này là tên của Anh à. Nguyễn cười:

- Ba chữ này không phải tên tôi mà một người Nhật Bản không tới thăm được ông bạn ấy gửi hoa sen và thư đề: Ký tịnh hữu. Có thể hiểu: “gửi người bạn như hoa sen”...

- Không biết Nguyễn đến Xiêm La rồi đi đâu. Hơn một năm bặt tin thì dồn dập hai tin buồn: Nguyễn Ái Quốc bị toà án An Nam xử tử hình vắng mặt ngày 10- 10- 1929 cùng với một số nhà cách mạng nữa... Trong khi đó, Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí đã phân liệt. Một Việt Nam mà ra đời ba nhóm cộng sản, tranh giành ảnh hưởng với nhau. Ban bí thư Quốc tế cộng sản cũng như Bộ phương Đông lo lắng chẳng những phong trào cách mạng Việt Nam mà cho cả khu vực. Sự chia rẽ này của cách mạng Việt Nam, Quốc tế cộng sản và các nhà cách mạng Việt Nam đều nhận thấy không có một ai ngoài đồng chí Nguyễn Ái Quốc để thống nhất lại một Đảng cộng sản. Ban bí thư Quốc tế cộng sản cùng với Bộ phương Đông và Đảng cộng sản Pháp cử người đi tìm gặp Nguyễn Ái Quốc để giao nhiệm vụ. Song cuối tháng 2- 1930 mẹ nhận được thư của anh Nguyễn! Thư đề ngày 20- 2- 1930. Mẹ vui mừng khôn xiết, mẹ gặp đồng chí Manuinxki báo tin vui này. Manuinxki cười hồ hởi: “Đồng chí Vêra nhanh chân... nhưng lại chậm mất rồi!" Rồi đồng chí Manuinxki thận trọng cho biết: Nhận được tin Nguyễn Ái Quốc đã mấy hôm rồi... Nguyễn Ái Quốc có một uy tín to lớn thì mới nhanh chóng triệu tập được các nhóm cộng sản ở trong nước bí mật tới Hồng Kông họp. Khai mạc cuộc họp thống nhất các nhóm cộng sản vào ngày 6 - 1- 1930. Đồng chí khéo kết hợp việc thống nhất các nhóm cộng sản đến việc thành lập một chính Đảng cộng sản Việt Nam, có chính cương (vắt tắt), có điều lệ (vắn tắt) và một Ban chấp hành Trung ương Đảng (lâm thời), một Bí thư đầu tiên. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế cộng sản công nhận Đảng cộng sản Việt Nam. Theo QTCS... Cái tin vui này chưa được bao lâu thì mẹ được biết: QTCS chỉ thừa nhận Nguyễn Ái Quốc dựng nên một đảng cộng sản coi như người tổ chức và sáng lập Đảng. Và sẽ đệ trình lên Đại hội VII. Nhưng tên Đảng “Việt Nam”, “chính cương”, “điều lệ”, “sách lược”... và Ban chấp hành Trung ương lâm thời do Nguyễn Ái Quốc lập không công nhận. Tháng tư 1930, giao cho Trần Phú cấp tốc về Bộ phương Đông, gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc để truyền đạt chỉ thị của QTCS và tiến hành mở hội nghị “cải tổ”: Đổi tên Đảng cộng sản Việt Nam là Đảng cộng sản Đông Dương, thay “chính cương”, “sách lược”... bằng một “luận cương chính trị” mới, bầu lại Ban chấp hành mới...

Giữa tháng 6- 1931 Bộ phương Đông đã có tin đồng chí Nguyễn Ái Quốc với cái tên Tống Văn Sở đã bị cảnh sát Hồng Kông bắt. Mẹ nghe tin này mà vẫn nửa tin nửa mong không phải là sự thật. Nhưng rồi mấy hôm sau các tờ báo lớn từ Paris đến Mátxcơva thì rõ rành rành đồng chí Nguyễn Ái Quốc bị bắt giam từ 6- 6- 1931. Nhưng báo đăng bị bắt ở Thượng Hải? Tôi nhìn vào báo L humanité số ra ngày 19- 6- 1931 với hàng chữ: “Bọn đế quốc cấu kết với nhau. Người Anh đã bắt nhà cách mạng An Nam Nguyễn Ái Quốc ở Thượng Hải. Ở giữa cột chữ có tấm ảnh Nguyễn Ái quốc cỡ 4 x 6. Ai cũng canh cánh lo cho tính mạng của Nguyễn Ái Quốc. Mẹ hầu như tháng nào cũng một đôi lần ngồi với các đồng chí Việt Nam ở trường Đại học phương Đông cùng nhau ôn lại từng kỷ niệm về Nguyễn Ái Quốc.

Rồi một tin trên báo như một điều hỷ tín: “Việc trục xuất đã bị khước từ. Nhà cầm quyền Pháp yêu cầu trao Nguyễn Ái Quốc lãnh tụ cách mạng An Nam cho họ, nhưng tòa án Hồng Kông khước từ. Nguyễn Ái Quốc được quyền chống án lên Viện cơ mật Hoàng gia Anh... Tất cả những người đồng chí trong đại gia đình Quốc tế cộng sản đều vui mừng và hy vọng ngày Nguyễn Ái Quốc được Viện cơ mật Hoàng gia Anh trả tự do. Nhưng hỡi ôi! Trên các báo ở Paris như Le figaro... đều đăng tin Nguyễn Ái Quốc lãnh tụ cộng sản An Nam đã chết trong tù. Báo L humanité: “Đồng chí Nguyễn Ái Quốc một trong các nhà sáng lập Đảng ta đã qua đời! Ở Mátxcơva thì báo Sự thật và các báo đều đăng cáo phó... Đã qua hơn hai mươi năm mẹ vẫn chưa quên cái cảnh tượng lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Ái Quốc tổ chức tại Trường Đại học các dân tộc phương Đông. Đại diện các cơ quan thuộc Quốc tế cộng sản đến đầy đủ... Những chiến sĩ quốc tế đã vào sinh ra tử đối mặt với cái chết không mềm lòng nhưng rơi lệ trước cái chết của Anh Nguyễn trong nhà tù đế quốc!...

Bà đang kể với giọng buồn thì... gọi tôi một cách vui sôi nổi - Này con! mẹ như là ở trong mơ lúc đồng chí Cuuxinhen bí thư Bộ phương Đông xiết chặt bàn tay mẹ nói như đùa: “Đồng chí Nguyễn Ái Quốc sống lại rồi!” “chị chuẩn bị các thứ quí để mừng “lễ phục sinh” Nguyễn Ái Quốc của chúng ta. Mẹ mừng đến nỗi quên chào đồng chí Cuuxinhen mà vội vàng đến hàng bán hoa. Mẹ mua hoa sen trắng đầu mùa. Khi đứng trước mặt Anh Nguyễn rồi mà vẫn ôm hoa trong tay mình! Nghẹn! Chẳng thốt nên lời! Anh Nguyễn chủ động đón lấy hoa sen trong tay mẹ dìu mẹ ngồi xuống ghế, tiếng Anh Nguyễn như từ trong đôi mắt nói ra, xa xăm lay động: Vêra! Tiễn đưa nhau từ đầu đông hăm bảy (1927) ở Crưm, nay được gặp nhau đã là cuối xuân băm tư (1934)!... Chiến thắng!... Chiến thắng!. 

Sau bảy năm lao lung từ Âu sang Á, bị sa vào tù ngục, Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập Đảng cộng sản cho đất nước mình, và lập Đảng cộng sản cho một số nước khác, phong trào cách mạng Việt Nam bùng lên những cao trào làm lung lay nền thống trị của đế quốc Pháp ở Đông Dương và ảnh hưởng không nhỏ đến các châu lục... thế nhưng... Nguyễn Ái Quốc vẫn bị ở trong một trạng thái cô đơn! Anh Nguyễn không được giao công tác. Anh kiên định lập trường quan điểm của mình và chờ đợi. Chẳng những thế mà Anh còn đang bị phê phán tại Đại hội lần thứ I của Đảng cộng sản Đông Dương ở Ma Cao (từ 27 đến 31 tháng 3 năm 1935). Còn có những ý kiến trong Đại hội đề nghị với Quốc tế cộng sản có hình thức kỷ luật Nguyễn Ái Quốc về tội “quan điểm” “sai lầm”... Nhưng uy tín của Nguyễn Ái Quốc ở trong nước cũng như ở Quốc tế cộng sản quá lớn cho nên Đại hội vẫn bầu vắng mặt Nguyễn Ái Quốc vào Ban chấp hành trung ương Đảng cộng Đông Dương và bầu đại biểu chính thức đi dự Đại hội lần thứ VII Quốc tế cộng sản. Đại hội kỳ này có 65 đoàn đại biểu đại diện cho 3141. 000 đảng viên trên toàn thế giới, khai mạc ngày 25- 7 kết thúc 25- 8- 1935. Song... Bà ngập ngừng... - Vào Đại hội VII, Nguyễn Ái Quốc bị loại khỏi đoàn đại biểu Đảng cộng sản Đông Dương, còn lại ba đại biểu là Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Nọn. Thật kỳ lạ! Nguyễn Ái Quốc một người kỳ diệu: Không bận tâm về phần cá nhân mình, tất cả và tất cả Anh hiến dâng cho lý tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng đồng bào mình và cho toàn thế các dân tộc bị áp bức mà Anh thường nói một cách giản dị - Nhân dân Việt Nam tôi có truyền thống đùm bọc lấy nhau trong tình nhà nghĩa nước. Có tình thương đồng loại: “thương người như thể thương thân” “lá lành đùm lá rách”, “bầu ơi thương lấy bí cùng tuy là khác giống nhưng chung một giàn”... Nguyễn còn có chuyện “Nhật ký chìm tàu”, một vài đồng chí Việt Nam ở Trường Đại học phương Đông đọc thuộc nhiều đoạn có câu mẹ còn nhớ: “Sao cho bốn bể một nhà, Vàng, Đen, Trắng, Đỏ đều là anh em”. Mục đích chiến đấu cách mạng của Anh Nguyễn như vậy.

Nên chi việc Nguyễn Ái Quốc không còn là đại biểu chính thức của Đại hội VII Quốc tế cộng sản, anh chỉ xem như một “cái án oan” nữa, tựa hồ “cái án oan" hồi Đại hội VI. Những cái đó đều sẽ qua đi! Cái còn lại: Anh Nguyễn vẫn đóng góp cho đoàn đại biểu Đảng cộng sản Đông Dương từng ý kiến cụ thể về sách lược đến những vấn đề có tầm chiến lược để đoàn đưa được vào Đại hội VII. Chẳng riêng một mình mẹ mà không ít các đại biểu trong Đại hội VII này vừa cảm thông cảnh ngộ của Nguyễn Ái Quốc vừa cảm phục Nguyễn Ái Quốc có một nhãn quan từ Đại hội V (1924) đã phát hiện Thái Bình Dương và Đông Dương có vị trí chiến lược trung tâm mà bọn đế quốc tham lam đều hướng cả vào nhóm ngó, nên Thái Bình Dương tương lai có thể trở thành một lò lửa của chiến tranh thế giới mới. Sáu năm sau 1930 sau khi Nguyễn thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, Nguyển khởi thảo chính cương, sách lược đoàn kết các giai tầng trong cộng đồng dân tộc chống đế quốc phong kiến và Nguyễn Ái Quốc viết lời kêu gọi toàn thể đồng bào mình, Nguyễn đã cảnh báo:: “Cuộc chiến tranh đế quốc thứ hai đang được ráo riết chuẩn bị. Khi cuộc chiến tranh đó nổ ra thì nhất định đế quốc Pháp sẽ đẩy anh chị em chúng ta vào cuộc chém giết đầy tội ác. Nếu chúng ta để cho chúng chuẩn bị chiến tranh, nếu chúng ta để cho chúng chống lại cách mạng Trung Quốc và nước Nga Xô Viết, nếu chúng ta để cho chúng tiêu diệt cách mạng An Nam thì khác nào chúng ta để cho chúng dìm giống nòi An Nam xuống Thái Bình Dương"... cho đến.... đến năm 1935, mùa thu Đại hội VII Quốc tế cộng sản mới thấy, mới bàn thảo “nguy cơ của chủ nghĩa phát xít và chiến tranh thế giới mới”. Bàn thảo vấn đề “Đoàn kết”... “thống nhất hành động”, vấn đề lập “Mặt trận nhân dân chống phát xít, chống chiến tranh”. Cuối đại hội đồng chí Manuinxki đề nghị phục hồi tư cách đại biểu chính thức của Nguyễn Ái Quốc. Nhưng cái “số” Anh Nguyễn truân chuyên quá! Chỉ được nới lỏng: “mời đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đại biểu dự thính của Đại hội”? Như có sự xui khiến, tôi buột miệng:

- Thưa mẹ Vêra... phải chăng Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam, một nước nhỏ bé bị đế quốc Pháp xâm lược xóa tên trên bản đồ thế giới, chỉ có cái tên L Indochine fran
Çaise, vì vậy mà các nhà lãnh đạo Quốc tế cộng sản hầu hết ở các nước lớn, dễ coi thường người ở nước nhược tiểu? Trong Quốc tế cộng sản phần nhiều là các vị ở Pháp, Anh, Mỹ, Đức, Ý, Nhật, Tàu, Nga, Ân Độ... Trong số đó có Tàu, Ân Độ là hai nước lớn bị đế quốc phương Tây chèn ép, thôn tính từng mảng. Còn nước Việt Nam của Nguyễn Ái Quốc so với các nước kia thì chỉ như một tỉnh, hay một bang thôi, mà lại bị xóa mất tên, và ngoại bang đang cai trị...

Bà Vêra dịu dàng: Mẹ chưa hề nghĩ điều con vừa nói và mẹ xúc động điều con nói là một tình cảm dân tộc. Mẹ rất trân trọng. Còn về Nguyễn Ái Quốc thì ở Quốc tế cộng sản ai cũng kính nể. Còn nỗi truân chuyên đường cách mạng của Nguyễn Ái Quốc thì mẹ chỉ là người thông cảm và chia sẻ những khi Anh Nguyễn gặp phải hoạn nạn, lúc yếu đau... Mẹ chỉ là một cán bộ bình thường trong một cơ quan của Quốc tế cộng sản, mẹ không thể biết gì hơn nữa!... Cả đến sau Đại hội VII mẹ cũng lấy làm khó hiểu việc Nguyễn Ái Quốc vẫn không được hoạt động, không được tiếp xúc rộng rãi? Anh Nguyễn vẫn như một “nghiên cứu sinh” ở Viện các vấn đề dân tộc, và làm giảng viên cho một số khóa học... Những tháng năm này anh Nguyễn trong tình trạng “cô đơn” mà tình hình thế giới đang sôi sục, nhất là ở Pháp, Tây Ban Nha, Đông Dương... Anh Nguyễn khao khát đến cháy bỏng tâm hồn, anh muốn được về nước trực tiếp hoạt động. Anh Nguyễn nhiều lần đề đạt nguyện vọng về nước hoạt động với một yêu cầu giúp đỡ: Quốc tế cộng sản giao nhiệm vụ công tác ở khu vực Đông Á”. Có được một dịp gặp đồng chí Manuinxki, mẹ lấy tình thân hỏi “vấn đề công tác của đồng chí Nguyễn”? Manuinxki cho mẹ biết “đang cố gắng lo liệu cho Nguyễn và chắc là được. Mẹ thấy chỉ cần nói thêm với con về một bức thư của Nguyễn Ái Quốc mang tên Line đề ngày 6- 6- 1938 hiện ở trong lưu trữ Quốc tế cộng sản, tại Mátxcơva. Mẹ nhớ gần như thuộc lòng bức thư ấy của Anh Nguyễn. Bà nhớ lại:

... “Đồng chí thân mến,

Hôm nay là ngày kỷ niệm lần thứ bảy việc tôi bị bắt giữ ở Hồng Kông. Đó cũng là ngày mở đầu năm thứ tám tình trạng không hoạt động của tôi. Nhân dịp này, tôi viết thư gửi đồng chí để xin đồng chí giúp đỡ tôi thay đổi tình cảnh đau buồn này.

Đồng chí hãy phân tôi đi đâu đó. Hoặc là giữ tôi ở lại đây. Hãy giao cho tôi làm một việc gì mà theo đồng chí là có ích. Điều tôi muốn đề nghị với đồng chí là đừng để tôi sống quá lâu trong tình trạng không hoạt động và giống như là sống ở bên cạnh, ở bên ngoài Đảng

Tôi sẽ biết ơn đồng chí, thưa đồng chí thân mến, cho phép tôi được hội kiến. Tôi tin rằng như vậy sẽ tốt hơn. Đã từ lâu rồi đồng chí không gặp tôi.

Đồng chí thân mến, xin đồng chí nhận lời chào cộng sản anh em của tôi”...(2)
Giọng bà trở nên bùi ngùi: Đồng chí Manuinxki một lần nữa lo liệu các việc “bảo mệnh” cho Nguyễn Ái Quốc đi về phương Đông hoạt động. Vẫn như lần trước Anh Nguyễn từ Crưm đến Tây Âu, đồng chí Manuinxki tiễn đưa Anh Nguyễn... Còn có bao nhiêu bạn khác tiễn đưa Nguyễn Ái Quốc âm thầm... Mẹ tiễn Anh Nguyễn lần này một bữa ăn “đặc Nga”, có rượu Pháp Napoléon do đồng chí Manuinxki đem tới.

S.T
(139/09-00)

----------------------------------------
(1) Bà Vêra chỉ nhớ và kể nội dung các quan điểm của Nguyễn Ái Quốc. Tôi trích theo “Hồ Chí Minh toàn tập” để bảo đảm chính xác.
(2) Đã công bố ở “Hồ Chí Minh toàn tập” (tập III in lần thứ 2).
http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c209/n5554/Nguyen-Ai-Quoc-voi-quoc-te-cong-san.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét