QĐND - Thứ Hai, 02/07/2012, 10:35 (GMT+7)
QĐND - Cuối tháng 9 năm 1924, được phép của Quốc tế Cộng sản (QTCS), Nguyễn Ái Quốc rời Mát-xcơ-va về Quảng Châu công tác. Người đáp tàu hỏa xuyên Xi-bê-ri tới Vla-đi-vô-xtốc, xuống tàu thủy về Quảng Châu ngày 11-11-1924.
Sau khi hai chính đảng lớn nhất Trung Quốc xây dựng thành công mặt trận dân tộc thống nhất (Quốc-Cộng hợp tác), Quảng Châu trở thành trung tâm cách mạng của đất nước Trung Hoa rộng lớn mà thời đó người ta gọi là “Mát-xcơ-va phương Đông”.
“Người dân ở đây đang sống trong bầu không khí ngày hội cách mạng. Ở đây có cái gì đó tựa như năm 1917 không bao giờ quên ở nước Nga. Tôi luôn luôn có cảm giác rằng ngôn ngữ loài người còn quá nghèo nàn để có thể diễn đạt hết sức mạnh của tình cảm: Phẫn nộ và sung sướng, yêu thương và căm giận của quần chúng nhân dân tràn ra trên các đường phố và quảng trường…”.(1)
Ngoài bầu không khí chính trị thuận lợi đó, Quảng Châu còn hơn những nơi khác mà Nguyễn Ái Quốc từng hoạt động ở một điểm hết sức quan trọng là tại đây có một lực lượng hùng hậu các nhà cách mạng Việt Nam đang hoạt động, gồm hai thế hệ-bậc cha chú như Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền, Hồ Học Lãm, Nguyễn Hải Thần… và lớp thanh niên yêu nước mới xuất dương sang sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất như Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Phạm Hồng Thái…
Sau khi đã hợp thức hóa công việc của mình trong Phái bộ Bô-rô-đin, Nguyễn Ái Quốc, mang biệt danh Lý Thụy, lần lượt tiếp xúc với các nhà cách mạng Việt Nam. Trước hết, Người tiếp xúc với nhóm thanh niên yêu nước trong Tâm Tâm Xã mà tháng 6 vừa qua đã làm “kinh thiên động địa” bằng việc ném tạc đạn ám sát Toàn quyền Đông Dương Méc-lanh ở Sa Điện. Qua tiếp xúc, Người biết được rằng phần đông trong số họ là người đồng hương Nghệ-Tĩnh, xuất dương sang Quảng Châu dưới ảnh hưởng của Phan Bội Châu. Nhưng đến nơi, tổ chức cách mạng của cụ Phan đã tan rã nên họ đã bí mật lập một tổ chức cách mạng mới vượt khỏi tư tưởng của cụ. Tổ chức cách mạng này đã cử Hồ Tùng Mậu về Xiêm và Lê Hồng Sơn về nước gây cơ sở… Nghiên cứu Cương lĩnh chính trị của họ, Người nhận thấy tổ chức cách mạng của nhóm thanh niên trí thức yêu nước này chưa cập nhật với những chuyển biến của thời cuộc và cần có một người dẫn đường chỉ lối. Vì thế, Người giao tiếp thường xuyên với họ, tuyên truyền, giác ngộ và dần dần đưa họ vào một tổ chức cách mạng mới.
Nhà số 13 đường Văn Minh (Quảng Châu-Trung Quốc) một trong những nơi Bác Hồ đã từng hoạt động cách mạng. Ảnh tư liệu.
|
Ở một hướng khác, Người tìm cách liên lạc với nhà cách mạng lão thành Phan Bội Châu, đang sống với gia đình ông Hồ Học Lãm trên Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, thường viết bài cho tập san Binh sự Tạp chí của Lâm Lượng Sinh. Người phát hiện được mối quan hệ thân thuộc của Hồ Tùng Mậu với gia đình Hồ Học Lãm (Hồ Tùng Mậu gọi Hồ Học Lãm bằng chú), và thông qua mối quan hệ ruột thịt này mà Người trao đổi thư từ với cụ Phan đang ở xa chưa có điều kiện gặp gỡ trực tiếp. Trong một lá thư gửi cho Lý Thụy, Phan Bội Châu rất cảm phục người thiếu niên thông minh, có chí khí năm nào gặp ở quê hương nay đã trở thành một nhà cách mạng trưởng thành:
“Nhớ lại hai mươi năm trước đây, khi đến nhà cháu uống rượu gõ án ngâm thơ, anh em cháu thảy đều chưa thành niên, lúc đó Phan Bội Châu này đâu có ngờ rằng sau này cháu sẽ trở thành một tiểu anh hùng như thế này. Bây giờ đem kẻ già này so với cháu, bác thấy rất xấu hổ. Nhận được liên tiếp hai lá thư của cháu, bác cảm thấy vừa buồn vừa mừng. Buồn là buồn cho thân bác, mà mừng là mừng cho đất nước ta. Việc thừa kế nay đã có người, người đi sau giỏi hơn kẻ đi trước, trên tiền đồ đen tối đã xuất hiện ánh sáng ban mai…”.(4)
Trong một lá thư gửi QTCS, Nguyễn Ái Quốc đã có những suy nghĩ về lớp cách mạng đàn anh trùng khớp với những trăn trở, suy tư của cụ Phan:
“Tôi đã gặp tại đây vài ba nhà cách mạng quốc gia An Nam, trong số này có một người đã xa rời xứ sở từ ba mươi năm nay… Mục đích duy nhất của ông này là trả thù cho nước, cho nhà đã bị bọn Pháp tàn sát. Ông không hiểu chính trị, và lại càng không hiểu việc tổ chức quần chúng. Trong các cuộc thảo luận, tôi đã giải thích cho ông hiểu sự cần thiết của tổ chức và sự vô ích của những hành động không cơ sở. Ông đã đồng ý…”.(5)
Như vậy, trên đất Quảng Châu, trung tâm cách mạng không chỉ của Trung Quốc, mà còn là của cả vùng Đông Á, đã diễn ra một cuộc hội ngộ lịch sử, kỳ thú giữa một bên là Nguyễn Ái Quốc, người đang đi tìm lực lượng để gieo mầm cách mạng mới, và một bên là lực lượng thanh niên trí thức yêu nước đang đi tìm phương cứu nước và cả những nhà cách mạng lão thành như “con ngựa già, đang chạy nước kiệu” đang muốn đem ngọn lửa nhiệt huyết và kinh nghiệm truyền lại cho lớp con cháu.
Cuộc hội ngộ lịch sử , kỳ thú đó dẫn đến những kết quả tốt đẹp sau đây.
1. Trong những lá thư trao đổi với cụ Phan, đại diện cho lớp cách mạng đàn anh, Nguyễn Ái Quốc khích lệ cụ cách mạng hóa tổ chức cách mạng quốc gia của các cụ, như sau này cụ Phan đã viết trong hồi ức của mình: “Sau khi trở về Hàng Châu được hai tháng, tức tháng Tư năm Giáp Tý (năm 1924), Nguyễn Ái Quốc tiên sinh từ Mạc Tư Khoa, kinh thành nước Nga, về đến Quảng Đông, ý ông chưa lấy Chương trình, Đảng cương này làm hoàn thiện, ông đã nhiều lần viết giấy cho tôi, bảo phải sửa sang, nhuận sắc lần nữa, nhưng chưa được bao lâu thì tôi bị bắt về Hà Nội”(6). Cuộc hội tụ với lớp cách mạng đàn anh đã đưa tới Cuộc bàn giao lịch sử của thế hệ cách mạng đàn anh mà Phan Bội Châu là người đại diện, cho thế hệ cách mạng con cháu mà Nguyễn Ái Quốc đại diện.
2. Với lớp thanh niên trí thức yêu nước trong Tâm Tâm Xã, Nguyễn Ái Quốc xác định đây là hướng chủ đạo trong công tác tổ chức của mình cho tương lai cách mạng Việt Nam. Sau nhiều lần tiếp xúc, tuyên truyền giác ngộ, Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn trong đó những người tiêu biểu nhất, thành lập nhóm trung kiên làm hạt nhân để thành lập một tổ chức cách mạng rộng lớn hơn mang tên Việt Nam Cách mạng Thanh niên (Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội) vào tháng 6 năm 1925. Đây là một tổ chức cách mạng theo khuynh hướng mác-xít.
Ngay sau khi thành lập, Việt Nam Cách mạng Thanh niên, dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Ái Quốc, đã triển khai ba hướng công tác quan trọng để tiếp tục chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức để xây dựng một Đảng Cộng sản ở nước ta.
Hướng thứ nhất, tổ chức sản xuất các phương tiện tuyên truyền.
Ngày 21-6-1925, Báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Việt Nam Thanh niên Cách mạng ra số đầu tiên. Trong những năm tồn tại của mình, Thanh Niên ra được 208 số, góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền chủ nghĩa Mác ở Việt Nam. Tiếp đó, là tờ Công Nông và Lính cách mạng tập trung vào những đối tượng cách mạng hẹp hơn. Và cuối cùng, do nhu cầu của cách mạng, Nguyễn Ái Quốc nhuận sắc tập bài giảng cho các lớp huấn luyện chính trị Quảng Châu, xuất bản thành tập sách mỏng lấy tên Đường cách mạng vào tháng 2 năm 1927. Nếu như tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp (1925) vạch trần tội ác của chủ nghĩa thực dân thì tác phẩm này chỉ ra con đường đưa cách mạng nước ta tới thắng lợi. Vì thế, nó được xem là cuốn sách gối đầu giường của thế hệ các nhà cách mạng đầu tiên theo khuynh hướng mác-xít.
Hướng thứ hai, tổ chức đào tạo những người tuyên truyền, người tổ chức và bộ khung cho tổ chức cách mạng tương lai bằng cách mở lớp huấn luyện và gửi thanh niên yêu nước tới các trung tâm đào tạo quốc tế.
Từ năm 1925 đến tháng 5-1927, Nguyễn Ái Quốc mở nhiều khóa huấn luyện chính trị và đã đào tạo được 75 chiến sĩ cách mạng mà thực chất là tạo ra những người tuyên truyền, cổ động cho phong trào cách mạng mới. Cùng với công việc trên, Người đã gửi thanh niên nước ta tới Trường Đại học phương Đông của QTCS ở Mát-xcơ-va và Trường Quân sự Hoàng Phố của Chính phủ Tôn Trung Sơn để học tập, chuẩn bị về lực lượng chính trị và quân sự cho tương lai cách mạng nước ta.
Hướng thứ ba, triển khai xây dựng hệ thống tổ chức cách mạng trên cả nước.
Mùa Thu năm 1926, Nguyễn Ái Quốc lựa chọn 6 người, chia thành 3 cặp, tung về ba trung tâm hành chính lớn nhất của đất nước là Hà Nội, Vinh và Sài Gòn để xây dựng các tổ chức cách mạng trong nước. Đến đầu năm 1927, một hệ thống tổ chức của Việt Nam Cách mạng Thanh Niên gồm 5 cấp được hình thành trên phạm vi cả nước. So với các tổ chức cách mạng cùng thời, Việt Nam Cách mạng Thanh niên có một hệ thống tổ chức cách mạng rộng lớn nhất, đạt tới quy mô toàn quốc. Có được như vậy là do tầm nhìn chiến lược của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Tóm lại, cuộc hội ngộ lịch sử Quảng Châu giữa Nguyễn Ái Quốc với hai thế hệ các nhà cách mạng Việt Nam đã tạo ra một xung lực mới cho phong trào cách mạng Việt Nam. Và đến lượt nó, phong trào cách mạng nước ta tiếp tục tiến kịp trào lưu cách mạng thế giới.
----------
1. X.A.Đalin. Hồi ký Trung Quốc (1925-1927). Nxb Khoa học, M, 1982, tr217.
2. V.Visơniacôva-Akimôva. Hai năm ở nước Trung Hoa quật khởi (1925-1927). M, 1965, tr76.
3. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia. H, 1995, tập 2, tr4.
4. Tạp chí Xưa và Nay, số 38, tháng 4-1997, tr5.
5. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Sdd, tr8.
6. Phan Bội Châu. Toàn tập. Nxb Thuận An, Huế. 1990, tập 6, tr288.
PGS, TS Phạm Xanh
http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/89/70/80/80/80/195669/Default.aspx
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét