Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

Quốc tế Cộng sản và cách mạng Việt Nam


GS, NGND. ĐINH XUÂN LÂM*
Từ lâu vấn đề này đã được nhiều nhà sử học Việt Nam, Liên Xô và phương Tây nghiên cứu trực tiếp hoặc gián tiếp. Đáng chú ý là các công trình của các nhà sử học Xôviết mà giới sử học Việt Nam đều quen biết (Mkhitarian, Ogơnhêtốp, Rêđơnnhicốp...). Cái đáng quý, cái mạnh trong các công trình của các nhà sử học Xôviết nói trên là đã khai thác được nhiều tư liệu gốc mà chúng ta chưa có điều kiện tiếp cận, và quan trọng hơn là cách nhìn nhận và giải quyết vấn đề theo quan điểm và phương pháp khoa học mácxít. Song cũng phải nói rằng người đọc còn phải chờ đợi thêm một thời gian nữa, khi quy chế sử dụng và công bố tài liệu lưu trữ của Nhà nước Xôviết ấn định rộng rãi, thì bức tranh lịch sử mới đầy đủ được, làm cơ sở cho những đánh giá mới.
1. Những đóng góp của quốc tế cộng sản đối với lịch sử cách mạng Việt Nam 1920-1943
Về vấn đề này, tuy sự nghiên cứu của các nhà sử học nước ta về lịch sử cận hiện đại và lịch sử Đảng có thể nói là chưa được nhiều, nhưng cũng có thể nêu ra ở đây một cái nhìn chung nhất về vai trò, sứ mạng to lớn của Quốc tế Cộng sản đối với cách mạng Việt Nam.
1. Chính Quốc tế Cộng sản, thông qua những đại diện của mình, cũng như các bộ phận của nó, đã xây dựng Vấn đề Đông Dương trong chương trình nghị sự của các đại hội và các kỳ họp của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản. Thực sự thì vấn đề đã được bắt đầu với mối quan hệ giữa Manuinxki - Nguyễn Ái Quốc ở Pari (10-1922), rõ nét nhất là từ tháng 6-1923 khi Nguyễn Ái Quốc trực tiếp hoạt động trong Bộ Phương Đông ở Mátxcơva, qua những đề nghị quan trọng của Người với Quốc tế Cộng sản trước và sau Đại hội V của Quốc tế Cộng sản (7-1924), nhằm thiết lập hệ thống liên lạc Mátxcơva - Pari - Đông Dương, phá vỡ sự đơn độc phương Đông...
Mặt khác sự hình thành Vấn đề Đông Dương bao gồm những nghiên cứu khá đầy đủ về các mặt kinh tế, văn hoá, xã hội của xứ Đông Dương thuộc Pháp, làm cơ sở cho những chỉ thị, góp ý của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản sau này với cách mạng Việt Nam. Có lẽ công việc này bắt đầu từ sự nhắc nhở đầu tiên của Mác - Ăngghen trong các bài báo, thư của hai ông trong những năm 1883-1886 về Nam Kỳ thuộc Pháp, đặc biệt trong ba bài báo của Lênin hồi 1908-1916 về các sự kiện khởi nghĩa ở Việt Nam, cũng như những nghiên cứu vô cùng giá trị của Người về những đặc điểm của chủ nghĩa tư bản Pháp. Bên cạnh đó, là việc nghiên cứu về Đông Dương của các cộng tác viên, các đồng chí lãnh đạo Quốc tế Cộng sản từ cuối những năm 20 thế kỷ XX mà chúng ta còn chưa có dịp công bố, như của Tôgliátti (tức Êrơcôli), Manuinxki, Gốtvan, Mácty, Vương Minh, Vaxilêva, Gơran, Minhin, Gube...
Cần đánh giá đúng hơn trong vấn đề này vai trò của đoàn đại biểu nhóm Cách mạng Đông Dương do đồng chí Nguyễn Văn Tạo (tức An) dẫn đầu tại Đại hội VI Quốc tế Cộng sản (1928), như về sự hình thành thực sự Vấn đề Đông Dương trong Quốc tế Cộng sản.
2. Quốc tế Cộng sản có những đóng góp vô giá trong việc đào tạo thế hệ cán bộ lãnh đạo đầu tiên cho Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng như trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam trước và cả sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.
Sự hiểu biết của chúng ta về mặt này đã khá phong phú. Đã có những con số, những thông tin cần thiết về công tác đào tạo, về các nguồn và số phận chính trị của những cán bộ ưu tú đó (từ Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập đến Nguyễn Văn Gi, Trần Đình Long, Nguyễn Khánh Toàn...). Các nhà sử học Pháp cũng có không ít những tư liệu về vấn đề này. Quả thực ở Việt Nam tuy không có những đại diện trực tiếp, những phái viên Quốc tế Cộng sản tại chỗ trong việc nhen nhóm xây dựng cách mạng (Công hội đỏ, Thanh niên đỏ, Nông dân quốc tế đỏ...), nhưng sự đóng góp của Quốc tế Cộng sản đối với cách mạng Việt Nam là hiển nhiên và to lớn.
Cũng cần nhấn mạnh rằng chính ở Liên Xô và nhờ hoạt động trong Quốc tế Cộng sản (1923-1924) mà đồng chí Nguyễn Ái Quốc mới có điều kiện hoàn chỉnh những tư tưởng chính trị của mình, không nên chỉ nhấn mạnh địa bàn Pháp đối với Người.
Việc tiếp xúc và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin trước đây, chúng ta hình như tự bằng lòng với nhận định là những người cách mạng Việt Nam biết đến chủ nghĩa Lênin qua hai con đường Pháp và Trung Quốc. Nhưng những phát hiện xác định văn bản mới đây với bản dịch cuốnBệnh ấu trĩ tả khuynh trong phong trào cộng sản (nguyên bản) và cuốn Tình hình nhiệm vụ mới 1932, được xem như những bản dịch ra tiếng Việt tác phẩm của Lênin và của Quốc tế Cộng sản ở Việt Nam lại do từ cửa ngõ Tiệp Khắc, qua sự chỉ đạo của đồng chí Gốtvan và Phương Đông Bộ Quốc tế Cộng sản từ khâu dịch, in ấn ở Brơnô, rồi bí mật chuyển về Việt Nam trong những năm khủng bố trắng của Pháp, đã cho chúng ta nhận rõ thêm tầm vóc những công việc mà Quốc tế Cộng sản đã làm cho phong trào cộng sản Đông Dương.
3. Quốc tế Cộng sản không chỉ giúp cho những người cộng sản Đông Dương thống nhất các tổ chức cộng sản, mà còn góp phần to lớn trong việc xây dựng đường lối chiến lược, chiến thuật của Đảng ta, đặc biệt thời kỳ 1929-1935.
Có những dấu hiệu về chỉ thị đầu tiên cho cách mạng Việt Nam vào đầu năm 1927. Chúng ta đều rõ ảnh hưởng to lớn của những văn kiện Quốc tế Cộng sản, nhất là của Đại hội VI (1928) và của Đại hội VII Quốc tế Cộng sản (7, 8-1935), từ lập luận đến ngôn từ, đến những tài liệu chính thức của Đảng ta - từ Tuyên ngôn Đông Dương Cộng sản Đảng (6-1929) đến Luận cương chính trị (10-1930) - cũng như nhiều nghị quyết khác sau này. Những người cộng sản Việt Nam thấm sâu tư tưởng quốc tế vô sản chân chính, luôn luôn tìm thấy ở Quốc tế Cộng sản những nhận thức sâu sắc và nguồn cảm hứng cách mạng chân chính, sức hấp dẫn mạnh mẽ của những ngày đầu khi lý tưởng cộng sản đang được thử nghiệm trong thực tế trên quy mô thế giới.
Điều quan trọng hơn là trong khi khôi phục lại mối quan hệ về đường lối cách mạng và chỉ đạo việc thực hiện những nhiệm vụ chiến lược của cách mạng sau khi Đảng ta ra đời, cần thấy rõ sự theo dõi sát sao và việc đóng góp không ít những ý kiến hoặc chỉ thị đúng đắn của Quốc tế Cộng sản với cách mạng nước ta.
Những chỉ thị, lời khuyên về hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam cuối năm 1929 đầu năm 1930, cũng như góp ý cho những văn kiện của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên sau Đại hội I (5-1929) ở Thượng Hải của tổ chức này, và những văn kiện của Hội nghị hợp nhất (3-2-1930); hàng loạt những chỉ thị, lời khuyên trong cuộc đấu tranh phục hồi tổ chức đảng và phong trào cách mạng (1932-1935), đặc biệt giúp những người cộng sản Việt Nam ở Liên Xô và Trung Quốc xây dựng bản Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương(1932), thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng (Ban Lãnh đạo hải ngoại) cũng như trong việc xây dựng Văn kiện Đại hội I của Đảng (3-1935) ở Ma Cao (Trung Quốc) là những minh chứng tiêu biểu.
Còn ở dạng tổng quát thì chúng ta đã rõ ảnh hưởng của Văn kiện Đại hội VII Quốc tế Cộng sản (7, 8-1935) đến sự thay đổi trong chính sách Mặt trận thống nhất chống phát xít và Mặt trận thống nhất phản đế ở thuộc địa to lớn như thế nào trong việc chuyển hướng chiến lược trong cách mạng Việt Nam.
4. Sự đóng góp của Quốc tế Cộng sản đối với cách mạng Việt Nam còn ở chỗ chính Quốc tế Cộng sản đã tạo ra và điều khiển những mối quan hệ quốc tế có lợi, không chỉ cho Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn cho các tổ chức quần chúng khác.
Chúng ta đã thấy (nhất là khi nghiên cứu đầy đủ hơn) mặt quốc tế của những sự kiện lịch sử nước ta từ năm 1930: Quốc tế Cộng sản qua các tổ chức quần chúng của mình đã giúp đỡ xây dựng các tổ chức cách mạng cho phong trào công đoàn, phụ nữ, thanh niên, nhi đồng của Việt Nam. Kể cả những hoạt động của các tổ chức quốc tế do Quốc tế Cộng sản phái đến thông qua hai Đảng Cộng sản Pháp và Trung Quốc, hay những tổ chức có quan hệ đến Đông Dương, đặc biệt trong thời kỳ 1932-1938.
2. Quan hệ giữa quốc tế cộng sản và cách mạng Việt Nam - những vấn đề cần sáng tỏ
Trong lịch sử cách mạng nước ta, những cống hiến to lớn của Quốc tế Cộng sản, của Đảng Cộng sản Liên Xô, Pháp, Trung Quốc và nhiều đảng anh em khác là sự thực hiển nhiên. Khi nói về lịch sử Quốc tế Cộng sản, một đồng chí Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô có nói đến "những trang đau đớn" của nó, mặc dù đồng chí vẫn khẳng định lịch sử Quốc tế Cộng sản thuộc về lịch sử quá khứ vĩ đại của chúng ta.
Để thấy rõ hơn nữa những đóng góp to lớn của Quốc tế Cộng sản đối với cách mạng Việt Nam, đồng thời cũng để làm sáng rõ "những chỗ khuất" trong lịch sử Đảng và cách mạng nước ta, sau đây xin nêu một số vấn đề có liên quan:
1. Đại hội VI Quốc tế Cộng sản (7, 8-1928) là đại hội phong phú những giá trị lý luận về Chính sách phương Đông, nhưng cũng chứa đựng những sai lầm "tả" khuynh biệt phái tai hại, một đại hội quan trọng với số phận nhiều dân tộc phương Đông. Nguyễn Ái Quốc có dự Đại hội này không, nếu không dự thì lý do vì sao, trong khi Người có những điều kiện khách quan để dự (đã có mặt ở Bộ Phương Đông và đồng chí Manuinxki đã tiếp Người tháng 11-1927), sách của ta nói chỗ này không rõ lắm!
2. Tại sao Nguyễn Ái Quốc lại chỉ tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản (7, 8-1935) với tư cách khách mời, trong khi có tài liệu của Đảng nói Ban Lãnh đạo hải ngoại Đảng Cộng sản Đông Dương trong văn bản gửi Quốc tế Cộng sản ngày 31-3-1935 có cử đồng chí trong danh sách cùng ba đồng chí khác. Rõ ràng vấn đề không phải do quan hệ cá nhân. Điều này liên quan đến vấn đề hệ trọng của lịch sử Quốc tế Cộng sản giai đoạn những năm 30 thế kỷ XX. Nhiều nhà sử học phương Tây khi đề cập tới giai đoạn này đã có nhận xét rằng: "Ông Hồđứng ngoài cuộc, yên tĩnh học hành suốt 1934-1938".
Việc giải quyết quan hệ của các yếu tố dân tộc và quốc tế vốn rất khó khăn, tế nhị, trong việc định ra đường lối liệu những vấn đề đó trong Quốc tế Cộng sản lúc này có ảnh hưởng gì đến tình hình nội bộ Đảng ta không?
3. Những sai lầm có tính biệt phái của Đại hội VI (1928) trong vấn đề dân tộc thuộc địa (mà Đại hội XX Đảng Cộng sản Liên Xô năm 1956 đã thừa nhận) liệu có ảnh hưởng gì đến một số văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng ta không? Cũng như liệu có ảnh hưởng gì đến những thiếu sót có tính chất “tả” khuynh trong cao trào 1930-1931 và Xôviết Nghệ - Tĩnh nói riêng không? Nếu có thì những hạn chế ấy đã in dấu cụ thể trong đường lối và chỉ đạo thực hiện như thế nào?
----------------
* Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Bài đã đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng, số 1-1989.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét