Trần Viết Ngạc
Tên gọi Chiếu Cần Vương hoặc Hàm
Nghi đế chiếu là một nhầm lẫn lịch sử đã kéo dài quá lâu. Điều tai hại là
từ sự nhầm lẫn này dẫn đến những sự nhầm lẫn khác như sự phát hiện Chiếu Cần
Vương 2, và mới đây, Chiếu Cần Vương 3 (tạm gọi như thế). Chiếu
Cần Vương 2 do Gosselin công bố và Chiếu Cần Vương 3 của
d'Argenlieu do Thái Lộc công bố trịnh trọng trên tuần báo Tuổi Trẻ cuối
tuần với nhan đề Tìm thấy nguyên bản Chiếu Cần Vương! [1] Những tài
liệu ngụy tạo như thế làm nhiễu một giai đoạn lịch sử của dân tộc vốn đã phức tạp,
giai đoạn phong trào Cần Vương.
Bài
viết của chúng tôi gồm 2 phần:
1. Văn bản vua Hàm Nghi ban hành ngày 2
tháng 6 năm Ất Dậu (13/7/1885) từ thành Tân Sở, Quảng Trị là Dụ Cần Vương,
không phải là Chiếu Cần Vương. Tính chất và hình thức hai loại văn bản này (Chiếu
và Dụ) rất khác nhau và dễ phân biệt.
2. Đã không có Chiếu Cần Vương, đương
nhiên không có Chiếu Cần Vương 2 và "nguyên bản Chiếu Cần Vương!". Cả
hai tàị liệu của Gosselin và d'Argenlieu đều là giả mạo.
Phần một
Chiếu và dụ là hai loại văn bản đều do
nhà vua ban hành, nhưng hình thức cũng như nội dung rất khác nhau.
Chiếu (proclamation) là một tuyên cáo, một
thông báo quan trọng của nhà vua cho toàn dân được biết về một sự kiện quan trọng,
một nhu cầu thiết yếu của quốc gia như Chiếu dời đô (Lý Thái Tổ), Chiếu
thân chinh Chiêm Thành (Lê Thánh Tông), chiếu lên ngôi, chiếu cầu hiền...
Mở đầu của bài chiếu là một cụm từ quy ước: Thừa
Thiên hưng vận, Hoàng đế chiếu viết... hoặc là Phụng thiên thừa vận,
Hoàng đế chiếu viết... (Vâng trời ứng vận, Hoàng đế ban chiếu rằng...) [2].
Dụ (decree, edict) là một mệnh lệnh
của nhà vua có giá trị như một đạo luật, một sắc lệnh, bắt buộc đối tượng nhận
dụ (tiếp dụ) phải thi hành. Kháng dụ là một trọng tội.
Mở đầu một đạo dụ là hai chữ Dụ viết (dụ
rằng), khi dịch có thể viết Dụ hoặc Dụ rằng...Kết thúc luôn luôn
là hai chữ khâm thử. Như thế mở đầu và kết thúc của dụ rất đơn giản và
không thể khác được.
Dụ Cần Vương
Tài liệu duy nhất cho đến nay cung cấp
nguyên văn dụ này là Trung Pháp chiến tranh tư liệu (tập 7) được Chu Thiên dịch
và in trong thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX dưới nhan đề Hàm Nghi đế chiếu.
Lê Thước, cũng sử dụng cùng nguồn tư liệu, cung cấp một bản dịch khác dưới nhan
đề Chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, in trong phần phụ lục cuốn Bài ngoại liệt
truyện của Phan Trọng Mưu.
Cả hai bản dịch trên đều mở đầu bằng Dụ: hoặc Dụ
rằng: và cũng kết thúc bằng hai chữkhâm thử, là hình thức mở và kết thúc của
một dụ. Như thế rõ ràng cả hai dịch giả đã không chú ý đến sự khác nhau về hai
loại văn bản là chiếu và dụ nên đã gọi nhầm văn bản nói trên là chiếu.
Chúng ta thử tìm trong các tài liệu gốc
về văn bản này:
- Đại Nam thực lục chính biên [3],
bộ chính sử của triều Nguyễn đã ghi văn bản này là Dụ Cần Vương, Dụ Thiên Hạ Cần
Vương.
- Dậu Tuất niên gian phong hỏa ký sự và Đại
loạn năm Ất Dậu [4] đều gọi văn bản này là dụ.
"Tôn Thất
Thuyết lánh thân thoát khỏi,
Tống dụ ra giục hối thân hào"
(Dậu Tuất niên gian phong hỏa ký sự, câu 69 - 70)
Tống dụ ra giục hối thân hào"
(Dậu Tuất niên gian phong hỏa ký sự, câu 69 - 70)
"Dụ Hàm Nghi mới tống đạt các nơi,
Mưu Tôn Thuyết đã vẽ bày đủ lối."
(Đại loạn năm Ất Dậu, câu 145 - 146)
Mưu Tôn Thuyết đã vẽ bày đủ lối."
(Đại loạn năm Ất Dậu, câu 145 - 146)
Đáng chú ý là tác giả Dậu Tuất niên
gian phong hỏa ký sự đã tóm tắt Dụ Cần Vương trong 22 câu:
Giặc Tây đến cõi Nam giao,
Tham tàn kiêu lộng, người nào chẳng hay?
Nó từ hòa ước đến nay,
Cậy tài lấn thế một ngày một hơn.
Quan quân ai chẳng giận hờn,
Ghét loài quỷ trắng bất nhơn vô nghì.
Vua cực chẳng đã phải đi,
Trăm quan sĩ thứ vậy thì tính sao?
Thiếu chi trí cả tài cao,
Thiếu chi vật lực phú hào nước Nam.
Rày đà gặp hội phải làm,
Những người khí khái chực hằm đã lâu.
Đến nay còn ẩn nơi đâu?
Sao không dẹp loạn ngõ hầu sửa an?
Bình Tây sát Tả đã toan,
Ấy là hảo hội phục hoàn cố cương.
Dẹp trừ xong lũ Tây Dương,
Nước ta mới đặng cửu trường an ninh.
Bằng ai đầu ám khí minh,
Trong lòng cầm thú, ngoài mình áo xiêm.
Triều đình đã có phép nghiêm,
Mặc loài phản quốc, biểu niềm trung quân...
Tham tàn kiêu lộng, người nào chẳng hay?
Nó từ hòa ước đến nay,
Cậy tài lấn thế một ngày một hơn.
Quan quân ai chẳng giận hờn,
Ghét loài quỷ trắng bất nhơn vô nghì.
Vua cực chẳng đã phải đi,
Trăm quan sĩ thứ vậy thì tính sao?
Thiếu chi trí cả tài cao,
Thiếu chi vật lực phú hào nước Nam.
Rày đà gặp hội phải làm,
Những người khí khái chực hằm đã lâu.
Đến nay còn ẩn nơi đâu?
Sao không dẹp loạn ngõ hầu sửa an?
Bình Tây sát Tả đã toan,
Ấy là hảo hội phục hoàn cố cương.
Dẹp trừ xong lũ Tây Dương,
Nước ta mới đặng cửu trường an ninh.
Bằng ai đầu ám khí minh,
Trong lòng cầm thú, ngoài mình áo xiêm.
Triều đình đã có phép nghiêm,
Mặc loài phản quốc, biểu niềm trung quân...
(Đại loạn năm Ất Dậu, câu 71-92)
Như vậy bản văn mà chúng ta quen gọi là
Chiếu Cần Vương, được in khắp trên các sách báo, các mạng thông tin điện tử...
chỉ là Dụ Cần Vương hay Dụ Thiên hạ Cần Vương, một mệnh lệnh của vua Hàm Nghi
ban ra từ Tân Sở, gửi cho toàn dân để mọi người thi hành nghĩa vụ cứu vua, giúp
nước.
Sự nhầm lẫn giữa Dụ và Chiếu này
còn liên quan đến một nội dung lịch sử quan trọng hơn: Phong trào Cần Vương đã
được triều đình Huế chuẩn bị và thực hiện từng bước kể từ lúc nhóm chủ chiến
trong triều đình Huế phế được vua Hiệp Hòa [5] và bắt đầu xây dựng thành Tân Sở
vào cuối năm 1883.
Song song với việc chấn chỉnh quân đội,
nâng cao khả năng và tinh thần chiến đấu, tinh giản bộ máy hành chính là việc
chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến lâu dài; chuẩn bị để vua rời khỏi Huế, các tỉnh
thành di dời lên sơn phòng, tu bổ và mở rộng con đường thượng đạo dọc theo Trường
Sơn... Tất cả công việc chuẩn bị và thực hiện nhất nhất được các giám mục
Camelbeck ở Quy Nhơn, Caspar ở Huế và Puginier ở Hà Nội mật tường trình cho
Pháp. Để ngăn chặn quá trình thực hiện của triều đình Huế, tướng Courbet đã đề
nghị Pháp tấn công Huế ngay từ tháng 3/1884 [6], nghĩa là trước cả khi kí hiệp
ước Giáp Thân (6/6/1884)! Cuối cùng, việc phải đến đã đến, khi de Courcy được
phái đến Huế để bức bách, hạ nhục triều đình... Xung đột đã dẫn đến kinh đô Huế
thất thủ vào ngày 5/7/1885 (23/5 năm Ất Dậu) và vua Hàm Nghi phải rời kinh
thành ra Tân Sở, ban Dụ Cần Vương.
Đó là tiếng pháo lệnh khởi đầu
cho công cuộc Cần Vương đã có chuẩn bị từ tháng 12/1883 nổ ra trên toàn lãnh thổ
Trung và Bắc Kỳ.
Phần hai: Chiếu
Cần Vương 2, một văn bản ngụy tạo có mục đích
Gosselin trong cuốn Le Laos et le
Protectorat Française [7] (Nước Lào và nền bảo hộ của Pháp) đã cho in vào
phần phụ lục một bản văn Proclamation lancée en Annam au nom du Roi
Ham-Nghi, après son départ de Hué (Bản Tuyên cáo phát đi từ Trung Kỳ nhân
danh vua Hàm Nghi sau khi vua rời khỏi Huế).
Văn bản này lần đầu tiên được Phan Trần
Chúc trích một đoạn trong cuốn Vua Hàm Nghi [8] nhưng không ghi xuất xứ. Vũ Văn
Tỉnh đã dịch và giới thiệu toàn văn trên tạp chíNghiên cứu lịch sử số 140
năm 1971. Từ đó văn bản này được giới nghiên cứu gọi làChiếu Cần Vương 2.
Chiếu Cần Vương 2 được ghi là ban
hành ngày 11 tháng 8 năm Hàm Nghi nguyên niên (19/9/1885). Ngoài văn bản bằng
tiếng Pháp, Gosselin không thông báo gì thêm về nguyên bản chữ Hán, xuất xứ nguồn
tư liệu.
Có mấy nhận xét về văn bản gọi là Chiếu
Cần Vương 2 này:
- Văn bản này ngoài cuốn Nước Lào
và nền bảo hộ của Pháp của Gosselin, chúng ta không tìm thấy ở một nguồn
nào khác như Đại Nam thực lục, Dậu Tuất niên gian phong hỏa ký sự, Đại
loạn năm Ất Dậu... là những nguồn liên quan đến Dụ Cần Vương.
- Điều đáng chú ý ở đây là Gosselin
không công bố hay ít ra là đề cập đến văn bản này trong cuốn L'Empire
d'Annam [9] của chính ông, xuất bản 4 năm sau cuốn Le Laos et le
Protectorat Française. Phải chăng chính tác giả Gosselin đã kịp thời nhận ra
tích chất giả mạo của văn bản Chiếu Cần Vương 2? Các nhà sử học của Pháp
khi viết về Việt Nam cũng không một ai nhắc đến văn bản này, ngay cả cuốn viết
riêng về Vua Hàm Nghi (Le Roi proscrit) của Marcel Gaultier.
- Về mặt nội dung, văn bản này có nhiều
điểm đáng ngờ:
1. Các sự kiện được nêu trong văn bản
không xác thực. Ví dụ: Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây chỉ 2 năm sau Hòa ước Nhâm Tuất
(1862) (đúng ra là 5 năm); Hội đồng Cơ mật (Cơ mật viện) đã quyết định tấn công
Tòa Khâm và Mang Cá. Hoàn toàn không có sự kiện này .
2. Bài chiếu này ban hành ngày
19/9/1885, cùng ngày với bài Chiếu lên ngôi của vua Đồng Khánh mà Gosselin đã đề
cập trong cuốn L'Empire d'Annam nhưng không hề nhắc lại Chiếu Cần
Vương 2 dù là vài chữ!
3. Văn bản này ghi ngày ban hành là
19/9/1885 và dành rất nhiều lời lẽ để mạt sát Phụ chính Nguyễn Văn Tường (tên
yêu quái, gian xảo, hèn mạt, giả dối, gian trá, phản phúc...!) trong khi người
viết không hay biết là Nguyễn Văn Tường đã bị De Courcy bắt đày vào Khám lớn
Sài Gòn, Côn Đảo rồi cuối cùng là Tahiti từ ngày 6/9/1885 và trước đó ngày 6/8,
Đồng Khánh đã được đưa vào cung để lên ngôi!
Cuối cùng kẻ muốn giả mạo Chiếu Cần
Vương 19/9/1885 cũng đã tự tố cáo khi kết thúc văn bản bằng một câu rất lạ lẫm
với khẩu khí quân vương và hình thức kết thúc của chiếu:
"Trẫm nói toàn sự thật, không giả dối chút
nào!"
Thay vì:
"Đặc hoằng bá cáo,
Hàm sử văn tri" [10]
(Vậy bá cáo rộng khắp, mọi người đều nghe)
Hàm sử văn tri" [10]
(Vậy bá cáo rộng khắp, mọi người đều nghe)
Hoặc
"vậy đặc biệt bá cáo khắp nơi, khiến cho mọi
người đều nghe biết. Khâm thử"
- Bá cáo xa gần, đều được nghe thấy [11]
- Bá cáo xa gần, đều được nghe thấy [11]
"Nguyên bản Chiếu Cần Vương" -- một văn bản
giả mạo quá vụng về.
Để độc giả tiện theo dõi, xin trích đăng
phần đầu bài dịch "nguyên bản "Chiếu Cần Vương":
"Bài đại cáo về mưu lược của hoàng
đế, quan viên và nhân dân trung nghĩa ở miền Nam tuân hay.
Bản mật chiếu đại cáo này phải tuân thủ nghiêm ngặt.
Hàm Nghi, năm thứ năm, ngày mồng 6 tháng 6.
Trẫm vâng noi đại thống, nối tiếp cơ đồ
lớn lao, nhưng vận nước gian truân, bọn giặc thôn tính, thế thậm lan dần không
thể tạm yên. Vì thế đã mật triệu các bề tôi vào Viện Cơ mật, uống máu ăn thề, hẹn
trước hết đánh phá tại kinh thành, sau đó đuổi dài vào Gia Định. Chẳng ngờ Văn
Tường hai lòng, nên xa giá phải dời đi Cam Lộ. Bởi thế, vua tôi lại phải ăn thề
lần nữa để lo khôi phục, mưu định đi nước khác cầu viện. Trẫm nào tiếc thân
hèn, nên chẳng ngại lao nhọc vượt núi non biển cả, xông pha chỗ chết, đích thân
sang nước Đại Đức [12] cầu sự giúp đỡ. Đã được nước ấy chuẩn thuận.
Khi về thẳng Quảng Đông, đã tiếp kiến các quan hội họp, biện bạch..."
Bản văn được đóng 3 loại "ấn"
: Hàm Nghi bảo ấn, Phúc Minh chi ấn và Hoàng đế.
Chỉ cần khảo về hình thức, bức chiếu đã
tự cung khai bản chất giả mạo. Người chế tạo mật chiếu này không có một chút hiểu
biết sơ đẳng về hình thức văn bản của triều đình lẫn ấn triệu nên đã để lộ ra
những sai lạc hết sức ngây ngô và ấu trĩ.
1. Trước hết là tên ấn và cách đóng
ấn.
Kiểm kê 6 ấn của vua Gia Long và 14 ấn của
vua Minh Mạng tuyệt nhiên không có ấn nào khắc niên hiệu [13]. Hàm Nghi là niên
hiệu dùng để ghi năm tháng trên giấy tờ, khắc trên đồng tiền. Cho nên khắc
"Hàm Nghi bảo ấn" để đóng trên chiếu là hoàn toàn sai lạc vì thiếu hiểu
biết.
- Ấn của vua là phương ấn, vuông vức.
Hàm Nghi bảo ấn lại có hình chữ nhật (115x110cm).
- Ấn của vua chỉ được đóng dưới niên hiệu,
tuyệt đối phải ở giữa (mép trên) niên hiệu và ngày tháng. Trên tờ chiếu giả, ấn
đóng ngang chữ niên, nếu đóng xuống chút nữa (dưới chữ niên), ấn vua thành ấn
quan.!
- Phúc Minh chi ấn: Từ vua Gia Long cho
đến vua Bảo Đại có loại ấn nào của vua lại dùng ngự danh Phúc Minh là
ngự danh của vua Hàm Nghi, húy danh là Ưng Lịch.
- Ấn Kiềm -- Hoàng đế: chưa hề có trong
các loại ấn kiềm của triều Nguyễn.
2. Chiếu hay dụ không có tiêu đề
hay nhan đề như khi được in thành sách.
3. Niên hiệu, ngày tháng bao
giờ cũng được ghi cuối cùng trong văn bản rồi đóng ấn. Ở tờ chiếu giả mạo này
nó cũng không được ghi như thế mà ghi lên đầu văn bản, chỉ sau nhan đề bài chiếu.
Về nội dung, có những điểm sai lạc và
phi lịch sử:
1. Tờ chiếu ban hành ngày 6 tháng 6 năm
Hàm Nghi thứ năm tương ứng với ngày 3/7/1889. Vào ngày này, vua Hàm Nghi đang ở
Alger, thủ đô của Algérie, bấy giờ là thuộc địa của Pháp. Sự kiện nhà vua
"vượt núi non biển cả" để sang Đức, được Đức chuẩn thuận giúp rồi nhà
vua trở về Quảng Đông hội họp quần thần... chỉ xảy ra trong trí tưởng tượng, Thật
là một sự bịa đặt phi lý.
2. Việc "uống máu ăn thề" hai
lần ở Cơ mật viện và Cam Lộ, danh xưng "Đại Đức quốc" xuất hiện vào
năm 1889 và các mô típ trang trí quanh bức chiếu càng làm cho giá trị văn bản
cùng sự khả tín của tư liệu triệt tiêu một cách thảm hại.
Việc nêu sự thẩm định của Giáo sư Leon
Vandermeersch chẳng làm cho sự giả mạo vụng về và kém cỏi được thêm chút giá trị
nào.
Tất cả những điều nên trên cho thấy Chiếu
Cần Vương của d'Argenlieu chỉ là một món đồ giả cổ, vụng về, lưu trong bảo
tàng như là một sản phẩm mua vui cho những ai hiếu kỳ. Không một nhà nghiên cứu
nào đề cập đến nó cho đến năm 1995, một nhà nghiên cứu khoa học tự nhiên chú ý
đến nó, giới thiệu cho Huế - Xưa và nay để rồi nó được xuất hiện rình
rang như là một "nguyên bản Chiếu Cần Vương" mà người giới thiệu cũng
chẳng hiểu Chiếu Cần Vương là gì.
Trần Viết Ngạc
Chú thích:
1. Tuổi
trẻ cuối tuần, số ra ngày 11/5/2008.
2. Tự
Đức thánh chế văn tam tập, tập 2, bản dịch của Bùi Tấn Niên và Trần Tuấn Khải,
Phủ QKVĐTVH xuất bản, Sài Gòn, 1973, tr.186-189.
3. Đại
Nam thực lục, nguyên văn chữ Hán, bản dịch của Nguyễn Ngọc Tĩnh, tập 36, Nxb
Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976, tr. 225, 241, 244.
4.
Lam Giang, Võ Ngọc Nhã, Đặng Đức Tuấn -- tinh hoa công giáo ái quốc
Việt Nam, tác giả xuất bản, Sài Gòn, 1970.
5.
28/11/1883.
6.
Thư của Courbet gửi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa ngày 20/3/1884.
7.
Paris, 1990.
8.
Chính Ký, Hà Nội, 195.
9.
Charles Gosselin, L'Empire d'Annam, Perrin et Cie, Paris 1904.
10. Thánh
chế văn tam tập, sđd, tr.189.
11. Đại
Nam thực lục, sđd, tập 36 - tr.22, tập 37 -- tr. 28.
12.
Bản dẫn của Đại Nam thực lục cho thấy vào thời đó chưa có danh xưng Đức quốc mà
chỉ có Phổ lỗ sĩ.
- Năm 1889 chưa có danh từ ĐỨC,
Sách Đại Nam thực lục, soạn trước năm 1900, chỉ có từ Phổ lỗ sĩ
-Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh,Minh
Tân,Paris, chỉ có từ Đức ý chí
Tự điển Việt Hoa Pháp của Gustave Hue,xb năm 1937 cũng chưa có từ Đức , mà chỉ có từ Nhật nhĩ man ---Chúng ta cần biết là các danh từ riêng chỉ các nước như Ý, Mỹ, Pháp , Úc , Áo... là dạng rút gọn của Ý Đai lợi, A Mỹ lợi thì, Pháp lan tây, Úc Đại lợi., Áo Địa lợi... ...mà cuối thế kỷ 19,đầu thế kỷ 20 chưa xuất hiện
Tự điển Việt Hoa Pháp của Gustave Hue,xb năm 1937 cũng chưa có từ Đức , mà chỉ có từ Nhật nhĩ man ---Chúng ta cần biết là các danh từ riêng chỉ các nước như Ý, Mỹ, Pháp , Úc , Áo... là dạng rút gọn của Ý Đai lợi, A Mỹ lợi thì, Pháp lan tây, Úc Đại lợi., Áo Địa lợi... ...mà cuối thế kỷ 19,đầu thế kỷ 20 chưa xuất hiện
13.
Đó là các loại ấn:
- Gia Long: Chế cáo chi bửu, Quốc gia
tín bửu, Sắc chính vạn dân chi bửu, Thảo tội an dân chỉ bửu, Ngự tiền chi bửu,
Mệnh đức chi bửu.
- Minh Mạng: Hoàng đế chi bửu, Hoàng đế
tôn thân chi bửu, Ngự tiền chi bửu, Tri lịch minh thời chi bửu, Khâm văn chi tỷ,
Duệ võ chi tỷ, Sắc mệnh chi bửu, Mệnh đức chi bửu, Chế cáo chi bửu, Quốc gia
tín bửu, Sắc chính mệnh dân chi bửu, Thảo tội an dân chi bửu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét